Pháo sáng và mảng tối của V-League

Án kỷ luật của VFF về vụ đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy khiến cho cả đội chủ sân là Hà Nội FC lẫn đội khách Hải Phòng đều chịu thiệt hại nặng. Nhưng những người thực hiện hành vi đó lại không hề hấn gì cả.

Pháo sáng và mảng tối của V-League

Mặc dù biết là để cho pháo sáng được đưa vào sân, được đốt lên, ném xuống sân có trách nhiệm lớn của bộ phận an ninh sân Hàng Đẫy. Tuy nhiên cũng phải thông cảm. Với một đám đông lên đến hơn ngàn người, cố tình đem pháo sáng vào sân, thì họ sẽ có cách để bao che cho nhau.

Trong hoàn cảnh cụ thể của một trận đấu, xử lý trên khán đài bao giờ cũng rất phức tạp, chúng ta có trách BTC sân hay lực lượng an ninh cũng khó. Nếu nó được ngăn ngừa ngay từ bước đầu tiên, bên ngoài sân bóng, thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn cho lực lượng trong sân.

Đây chính là mảng tối của V-League, một giải đấu đã có tuổi đời 19 năm, chưa bao gồm 20 năm của bóng đá thời bao cấp, thế mà đến nay mối liên hệ giữa các CĐV và CLB hoàn toàn mờ nhạt. Nếu có tồn tại thì dường như nó cũng chỉ mới dừng ở mức độ “bánh ít đi, bánh quy lại” chứ không phải là sự gắn kết “môi hở thì răng lạnh” như chúng ta vẫn thường hình dung.

Rất khó thống kê đội Hải Phòng đã bị phạt bao nhiêu tiền từ trước đến nay vì chuyện pháo sáng mà người đốt chính là CĐV của mình. Như vậy, chưa biết Hải Phòng nhận được bao nhiều tiền từ CĐV, xem ra họ thường xuyên “thua lỗ” nếu bán vé cho CĐV vào sân và sau đó xảy ra pháo sáng.

Tiền vé thì chẳng bao nhiêu nhưng các trận đấu ở sân Lạch Tray thì luôn có lực lượng an ninh đông gấp đôi so với trung bình ở nơi khác vì độ “nhiệt” của dân đất Cảng. Đó là chưa nói, hiện có đến 2-3 nhóm CĐV tự xem mình là hội CĐV chính thức, cũng có không ít mâu thuẫn với nhau.

Lấy ví dụ trận Hà Nội - Hải Phòng vừa qua. Tổng khán giả là 11.000 thì chỉ có 2.000 đến từ khu vực Hải Phòng nhưng lực lượng an ninh được điều động đến gấp 2 lần một trận đấu bình thường, đồng nghĩa chi phí tổ chức cũng tăng lên ngoài sự mong muốn của những nhà tổ chức (phía Hà Nội).

Đương nhiên là sân Hàng Đẫy có thể siết chặt việc kiểm soát CĐV vào sân, hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra cá nhân bằng máy móc hiện đại nhất, nhưng việc thực hiện điều này lại liên quan đến chi phí tổ chức.

Nguồn thu từ bán vé hiện nay của các sân bóng Việt Nam rất bé nhỏ. Nếu các CĐV Hải Phòng cứ tiếp tục quậy kiểu này, nhiều khả năng những sân bóng còn lại bắt buộc phải yêu cầu BTC cho phép họ đá trong sân không có khán giả thay vì để CĐV Hải Phòng vào sân vừa tốn chi phí an ninh, vừa chưa chắc là bị cấm sân như trường hợp Hà Nội FC đang gánh chịu hay không?!

Từ các vụ pháo sáng có thể thấy CĐV Hải Phòng gần như chẳng liên quan gì đến đội bóng bởi nếu có thì làm sao có chuyện để CLB của mình thiệt hại quá nhiều lần như vậy. Thật khó tin là ở một nơi được xem là cuồng nhiệt bóng đá như Hải Phòng vẫn không có hội CĐV nào được thừa nhận chính thức.

Đây cũng không phải là cá biệt, bởi đa số các CLB đều cố gắng “tránh” việc thừa nhận các hội CĐV bởi văn hóa xem bóng đá hiện nay tại Việt Nam không cao. Nếu không đốt pháo sáng thì cũng sẽ chửi bới, lăng mạ… cầu thủ, trọng tài ngay trên sân. Thậm chí còn tổ chức kích động, đập phá bên ngoài sân. Trong khi đó, việc đóng góp cho CLB thì ngoài tiền mua vé, hầu như không có gì.

Theo sggp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.