Pháo đài lung lay

GD&TĐ - Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ngày 24/2 tới nay đã kéo dài sang ngày thứ năm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo thời gian, chiến sự đang diễn ra quyết liệt tại Kiev và nhiều thành phố khác tại Ukraine.

Nga đã dành bảy năm để xây dựng hệ thống phòng thủ tài chính đáng gờm. Nhưng những bất ổn về kinh tế do chiến dịch quân sự hiện nay đang dần xuất hiện.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Nga hiện là nền kinh tế xếp thứ 11 thế giới, chỉ sau Hàn Quốc. Kể từ năm 2014, GDP của Nga hầu như không tăng trưởng, giá trị đồng ruble sụt giảm làm nền kinh tế chững lại.

Cùng thời gian, chính quyền Moscow đã cố gắng thay đổi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ sang đồng đô la, hạn chế chi tiêu của chính phủ và dự trữ ngoại tệ.

Các nhà hoạch định kinh tế đã tìm cách thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ nước ngoài. Nga cũng tích luỹ được kho dự trữ quốc tế trị giá 630 tỷ USD, khoản tiền khổng lồ được tin rằng có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi tình trạng tồi tệ nhất do bất kỳ cuộc khủng hoảng nào gây ra.

Nhà kinh tế học David Lubin cho biết, Nga đã xây dựng nên “nền kinh tế pháo đài” giúp tạo ra nguồn dự trữ ngoại tệ lớn có thể hỗ trợ đồng ruble nếu quốc gia này phải chịu lệnh trừng phạt từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự tại Ukraine cùng những biện pháp trừng phạt từ phương Tây và Mỹ đang gây bất ổn cho tuyến phòng thủ này. Nhiều chuyên gia phân tích không tin rằng pháo đài kinh tế của Nga đủ vững chãi khi đối mặt với hàng loạt phản ứng cứng rắn chưa từng có của phương Tây và sẽ gây ra hậu quả ngắn hạn lẫn dài hạn cho nền kinh tế quốc gia.

Hiện nay, một USD tương đương gần 84 ruble, trong khi cách đây vài tuần, con số này là 74. Tỷ giá hối đoái chưa chính thức vào cuối tuần qua là 152 ruble. Ngoài đường phố, hàng dài người Nga xếp hàng để rút tiền mặt tại các máy ATM trong khi Ngân hàng Trung ương Nga kêu gọi người dân giữ bình tĩnh.

Các nhà phân tích kinh tế dự đoán Nga có thể phải tạm thời đóng cửa các chi nhánh ngân hàng hoặc tuyên bố nghỉ lễ ngân hàng toàn quốc để bảo vệ hệ thống tài chính của mình.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt phương Tây đã khiến chứng khoán Nga giảm 33% vào ngày 24/2. Kể từ đó, nhiều tín hiệu phục hồi của thị trường chứng khoán được ghi nhận nhưng đồng ruble tiếp tục xuống thấp so với đồng đô la và đồng euro. Thị trường Nga sẽ tiếp tục chịu áp lực khi hoạt động giao dịch trở lại từ ngày 28/2.

Đồng ruble suy yếu đang đẩy giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng vọt. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu chiếm khoảng 75% các sản phẩm và nguyên liệu dùng chế tạo sản phẩm, thực phẩm hàng ngày được kinh doanh tại Nga.

Nhà phân tích Levon Kameryan của Scope Ratings cho biết, xung đột leo thang cũng có thể dẫn đến tình trạng tháo chạy vốn khi người Nga tìm cách bảo vệ các khoản tiết kiệm và tài sản cá nhân khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập.

Khi đời sống của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sẽ lan rộng sang mọi khía cạnh xã hội. Bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa đến sự tín nhiệm và ủng hộ của người dân đối với chính quyền hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ