Phần thanh tra GD nên ngắn gọn, tránh không phải sửa luật

GD&TĐ - Phần về thanh tra giáo dục viết khoa học hơn, theo hướng những gì pháp luật về thanh tra đã nêu thì dự thảo không nhắc lại mà quy định “thực hiện theo pháp luật về thanh tra”.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ông Phạm Ngọc Trúc – phòng Thanh tra Pháp chế của Học viện Quản lý Giáo dục góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo ông Trúc, viết như vậy vừa ngắn gọn, đầy đủ; vừa tránh không phải sửa luật khi pháp luật về thanh tra có điều chỉnh.

Thực tế hiện nay ở một số cơ sở giáo dục đại học, hoạt động thanh tra do một hiệu phó phụ trách. Hiệu phó thì thường chỉ phụ trách một số lĩnh vực, trong khi hoạt động thanh tra đòi hỏi “quản lý đến đâu phải thanh tra tới đó”, nghĩa là không có vùng cấm.

Điều này dẫn đến khi cần phải thanh tra lĩnh vực do Hiệu phó khác phụ trách, Hiệu phó phụ trách thanh tra thường né tránh do ngại va chạm…

Việc dự thảo luật quy định “hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học do Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách” sẽ giúp khắc phục được hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện tốt chủ trương đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục.

Góp ý về một số vấn đề cụ thể, ông Trúc nêu ý kiến, về cấu trúc: cần tham khảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Xây dựng năm 2014. Quy định về thanh tra trong hai luật trên đều có 3 khoản: chức năng và nhiệm vụ; quyền hạn và trách nhiệm; tổ chức và hoạt động.

Cấu trúc như vậy vừa rõ ràng, đầy đủ, vừa khắc phục được sự trùng lặp về nội dung giữa Điều 111 với Điều 113 như dự thảo Luật hiện nay.

Vì vậy, đề nghị sửa lại cấu trúc của phần thanh tra giáo dục tương ứng với ba điều như sau: Điều 111. Chức năng nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; Điều 112. Quyền hạn, trách nhiệm của thanh tra giáo dục; Điều 113. Tổ chức và hoạt động của thanh tra giáo dục.

Khi đó, Điều 111 nên sửa lại cho phù hợp với tên mới của điều này là “chức năng, nhiệm vụ của thanh tra giáo dục” , cụ thể như sau:

“Thanh tra giáo dục thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về giáo dục; xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ