Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (ĐH) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội.
Các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được phân tầng (sắp xếp theo nhóm) và xếp hạng (sắp xếp theo thứ tự cao, thấp) về chất lượng bằng cách tính điểm do một tổ chức được Bộ GD&ĐT ủy nhiệm thực hiện.
Theo Dự thảo Nghị định, các trường ĐH được xếp thành 5 hạng khác nhau. Thứ hạng trường được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng và được chia theo nhóm từ cao xuống thấp.
Cụ thể, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng phân tầng các trường ĐH theo 3 định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Việc xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH nhằm công khai minh bạch chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học; đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH một cách khách quan.
Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.
Xung quanh Dự thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Xin Thứ trưởng cho biết, khi phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho việc phát triển giáo dục nước ta?
Khi phân tầng, xếp hạng các trường ĐH thì chúng ta mới đặt ra những mục tiêu xếp hạng và phát triển hệ thống giáo dục ĐH một cách rõ ràng.
Hiện nay, các trường ĐH ở nước ta chưa có sự phân tầng một cách rõ ràng. Những trường nghiên cứu thì không đi sâu nghiên cứu. Những trường ứng dụng thì thiếu kỹ năng thực hành. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp thường bị chê là thiếu kỹ năng, không có chuyên môn sâu.
Vì vậy, khi phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ định hướng được mục tiêu nghiên cứu, phát triển dài hạn cho các trường. Nhà nước cũng sẽ có cơ sở để tập trung đầu tư cho từng loại trường để trong tương lai có những trường ĐH đạt được thứ hạng cao trên thế giới.
Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành Dự thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam. Căn cứ vào Luật Giáo dục ĐH, việc phân tầng sẽ theo 3 nhóm: nghiên cứu, ứng dụng và định hướng nghề nghiệp.
Việc xếp hạng các trường ĐH được xếp thành 5 hạng khác nhau. Thứ hạng trường được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng và được chia theo nhóm từ cao xuống thấp.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp theo, chúng ta mới phân tầng áp dụng ở các trường ở trong nước rồi sau đó mới tính đến phân tầng so với các trường ĐH trên thế giới.
Cơ quan độc lập ngoài ngành giáo dục sẽ tiến hành phân tầng, xếp hạng
Để phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ một cách khách quan và công bằng, nhiều ý kiến cho rằng cần giao công việc này cho cơ quan độc lập ngoài ngành Giáo dục. Ý kiến của Thứ trưởng như thế nào về vấn đề này?
Bộ GD&ĐT đã tính toán những điều kiện để thực hiện việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Theo Luật Giáo dục ĐH, việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ do cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ do cơ quan, tổ chức độc lập tiến hành. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ đứng ra giao cho cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm và uy tín trong xã hội đứng ra thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.
Trên cơ sở kết quả của của cơ quan, tổ chức độc lập đó, Bộ sẽ đề trình lên cấp có thẩm quyền công nhận.
Tiêu chí sẽ phù hợp với đặc thù phát triển của các trường ĐH
Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Liệu Việt Nam sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm như thế nào qua việc phân phần, xếp hạng mà nhiều nước đã từng thực hiện, thưa Thứ trưởng?
Việt Nam sẽ tham khảo mô hình, cách thức phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới. Những tiêu chí tiến hành việc làm này ở một số nước như Trung Quốc, Mỹ hay nhiều nước khác sẽ được Bộ GD-ĐT tham khảo.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bê nguyên cách thức, tiêu chí phân tầng, xếp hạng các trường ĐH ở một nước nào đó vào áp dụng cho Việt Nam.
Ở các nước trên thế giới, tiêu chí của việc phân tầng phụ thuộc rất lớn vào công tác nghiên cứu khoa học, công trình được công bố có tính ứng dụng, những bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này ở nước ta chưa phải là thế mạnh nên cần phải được ưu tiên đầu tư nhiều hơn.
Trước hết, chúng ta dựa vào những tiêu chí mang tính thực tiễn, thực tế mà các trường ĐH đang có hoặc đang tiến hành để phân tầng, xếp hạng một cách tương đối chính xác.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những yếu tố để đưa ra bộ tiêu chí cụ thể trong phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Bộ tiêu chí đó không phải quá cao để không có trường nào đạt được và cũng không phải quá thấp mà sẽ là ở mức vừa phải để khi ban hành ra, sẽ có thể xếp loại được các trường đứng ở thứ hạng cao, trung bình hay thấp.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sẽ là tiêu chí căn bản
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định phân tầng, xếp hạng các trường ĐH là căn cứ vào tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm của từng trường. Liệu đây có phải là tiêu chí căn bản để quyết định phân tầng, xếp hạng không, thưa Thứ trưởng?
Trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Việt Nam rất cần có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hội đủ các kiến thức, kỹ năng.
Ngoài những tiêu chí về công tác nghiên cứu khoa học, công trình được ứng dụng đạt kết quả cao thì một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo ở các trường ĐH là dựa trên yếu tố sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm và làm những công việc đúng ngành nghề được đào tạo.
Ngoài ra, việc phân tầng, xếp hạng còn có sự đánh giá của đơn vị sử dụng lao động đối với những sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!