Hiểu đúng về vai trò phân luồng trong giáo dục
Là chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, phân luồng trong giáo dục tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu trình độ và ngành nghề của nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nói thêm về vai trò của phân luồng trong giáo dục, PGS Đỗ Thị Bích Loan nhấn mạnh đến phân luồng học sinh sau THCS và cho rằng, việc này không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh, mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hơn nữa, phân luồng học sinh còn có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục trên bình diện cá nhân của từng học sinh, cũng như môi trường giáo dục nói chung; nhằm thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội; giúp hệ thống giáo dục gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Trên bình diện cá nhân, theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, phân luồng trong giáo dục tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi lao động được phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của cá nhân. Trên bình diện quốc gia, phân luồng học sinh nhằm điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực của quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển, để sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực.
Chuyên gia cao cấp về lĩnh vực phân luồng, liên thông và phát triển nguồn nhân lực – GS.TS Phan Văn Kha (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khẳng định, phân luồng học sinh, cụ thể là phân luồng sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nó góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập…
Ngoài công tác định hướng, việc phân luồng qua từng bậc học phải đạt hiệu quả rõ ràng. Ảnh: Hữu Cường |
Thay đổi nhận thức về nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp
Chủ trương phân luồng mạnh sau THCS đã được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và các văn bản pháp quy. Quyết định số 1981 (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định: Học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau: THPT; Sơ cấp giáo dục nghề nghiệp; Trung cấp giáo dục nghề nghiệp; THPT bổ túc văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có “ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%”. Đến năm 2025, con số này được xác định là ít nhất 40%; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Theo đánh giá của hai chuyên gia Đỗ Thị Bích Loan và Phan Văn Kha, chủ trương phân luồng học sinh sau THCS sau nhiều năm thực hiện đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Để khắc phục những tồn tại trên cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm giúp học sinh nhận thức đầy đủ việc chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS. Đồng thời, cần giải quyết đồng bộ các nhiệm vụ: Hướng nghiệp, phân hóa theo hướng tự chọn, phân luồng học sinh; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đào tạo và nhu cầu nhân lực; tham khảo kinh nghiệm về phân luồng học sinh sau THCS của một số nước có truyền thống văn hóa và giáo dục gần với Việt Nam.
Thực hiện thành công và hiệu quả việc phân luồng, từ đó giúp ích cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trước hết đòi hỏi mỗi học sinh, phụ huynh, cộng đồng, xã hội phải thay đổi nhận thức về nghề nghiệp và vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Ngành Giáo dục nói chung và mỗi nhà trường phổ thông nói riêng cần đổi mới phương thức giáo dục hướng nghiệp; kết hợp với đó là các giải pháp chính sách, giải pháp can thiệp và điều tiết của Nhà nước.
Cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong phát triển nguồn nhân lực; tăng cường thu hút sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS.