Nghiên cứu để quy định chi tiết hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị bổ sung quy định: Miễn, giảm học phí cho học sinh tham gia đào tạo phân luồng; quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục trên cơ sở phát triển và luật hóa các quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi Luật.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về việc miễn học phí cho học sinh tham gia đào tạo phân luồng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ LĐ,TB&XH đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của liên Bộ GD&ĐT, Tài chính, LĐ,TB&XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 -2016 đến năm học 2020 - 2021.

Theo đó, người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp và không học qua các trình độ đào tạo khác thuộc đối tượng được miễn học phí. Việc này nhằm phân luồng trong giáo dục, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, góp phần thực hiện mục tiêu của Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, đồng thời tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Về quy định cụ thể công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, Bộ GD&ĐT thông tin, để thể hiện rõ ràng mục tiêu hướng nghiệp và phân luồng học sinh, Điều 9 Luật Giáo dục 2019 quy định: Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Để hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 và Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để tham mưu với Chính phủ quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.