Phân luồng học sinh sau trung học: Nên triệt để ngay sau THCS

Phân luồng học sinh sau trung học: Nên triệt để ngay sau THCS

(GD&TĐ) - Phân luồng học sinh (HS) sau THCS được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Tuy nhiên để phân luồng hiệu quả hơn thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết và quan trọng nhất là làm sao để “luồng” hút được người học…                                                 

Một khảo sát về vấn đề phân luồng HS sau THCS ở 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp năm 2010 cung cấp con số kém vui: Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề mới chỉ chiếm khoảng 10%. Gần 5%  vào đời sớm với tư thế là người lao động giản đơn. Một bộ phận HS học lực yếu kém vẫn quyết tâm theo đuổi THPT như học lại, thi lại, một số theo học GDTX (khoảng 10-12%). Hầu như không có HS khá giỏi vào học TCCN… 

Thực trạng HS bỏ học ở ĐBSCL đã lên đến mức báo động, đặc biệt là tình trạng HS sau THCS bỏ học để “vào đời” làm xã hội lo ngại, trong đó “nặng gánh” nhất vẫn là ngành GD. Với phần lớn HS học lực yếu kém, HS hoàn cảnh gia đình khó khăn, HS chán học thì bỏ học đi làm kiếm tiền là lựa chọn duy nhất.

Bài học ở Tây Nam Bộ: Linh động phân luồng 

Những ngày này đến một số TT GDTX của TP Cần Thơ sẽ gặp hình ảnh các em đang nỗ lực để tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH. Đây là số 20% HS không trúng tuyển hoặc không được xét tuyển vào hệ THPT. Thành phố chủ trương hằng năm có khoảng 70-80% HS sau THCS được tuyển vào hệ THPT.  

Nhiều mô hình trung tâm học nghề phát triển theo hướng vừa học nghề vừa học văn hóa
Nhiều mô hình trung tâm học nghề phát triển theo hướng vừa học nghề vừa học văn hóa

Trước đây nhiều phụ huynh và HS lo lắng nếu sau THCS không trúng tuyển vào THPT thì sẽ ra sao? Liệu trường nghề, học hệ GDTX có thể giúp con em họ vững bước vào đời?... Sau thời gian triển khai công tác phân luồng HS với nhiều giải pháp, đặc biệt là cả quá trình đầu tư dài hơi về nhân lực, vật lực và quan trọng nhất là thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, HS, đến nay có thể nói rằng họ đã yên tâm vì con đường sau THCS rất “thênh thang”. Đến nay các TT GDTX, các Trung tâm dạy nghề đã có mặt đều khắp các quận, huyện của thành phố. Từ đó mở rộng con đường học tập sau THCS cho HS, đặc biệt là đối tượng HS học lực yếu kém, HS hoàn cảnh gia đình khó khăn và HS có nguy cơ bỏ học… 

Bà Phan Thị Thu Hà – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, việc phân luồng HS trong thời gian qua ở tỉnh này khá hiệu quả. Tỉnh tổ chức dạy nghề hướng nghiệp cho 100% HS lớp 11 và HS lớp 8. Giống như Cần Thơ, hằng năm  tỉnh chỉ tuyển 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT số còn lại sẽ học GDTX hoặc học nghề… Ngành GD đã phối hợp với Sở LĐTB-XH tổ chức các lớp dạy nghề cho HS tốt nghiệp THCS tại các trung tâm dạy nghề huyện. Sở cũng chỉ đạo cơ sở GD thực hiện đầy đủ công tác GD hướng nghiệp cho HS qua hoạt động dạy nghề hướng nghiệp và qua tiết dạy hướng nghiệp theo chương trình quy định; Tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho HS cuối cấp; Phối hợp với trường CĐ nghề tuyên truyền, giới thiệu tuyển sinh cho HS THCS và THPT vào cuối năm học...

Để phân luồng đi vào thực tế và có hiệu quả, các địa phương ở ĐBSCL đã linh động tìm hàng loạt giải pháp để phân luồng HS sau THCS. An Giang là một trong những địa phương triển khai phân luồng HS sau THCS một cách mạnh mẽ. Mục tiêu “kép” mà tỉnh hướng đến là nâng cao chất lượng GD và kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học. Từ năm học 2010-2011 tỉnh áp dụng thi tuyển vào lớp 10 ở tất cả các trường THPT. Chủ trương này không phải để đẩy HS học lực yếu kém ra bên lề lớp học mà nhà trường có trách nhiệm hướng các em vào hệ GDTX, học nghề. Để nâng cao chất lượng GDTX, tỉnh chủ trương: Các TT GDTX kết hợp với các trường THPT lân cận để tăng cường nguồn GV giảng dạy; Trưng dụng GV dạy giỏi ở các trường THPT để dạy GDTX. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 21.600 HS tốt nghiệp THCS, trong đó 78% vào THPT, 4,1% học GDTX và 4% học nghề, TCCN. 

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết, nhờ làm tốt công tác phân luồng HS sau THCS, đặc biệt là hướng nghiệp, định hướng cho HS ở các trường THPT nên kết quả năm 2012 số HS của tỉnh trúng tuyển và đạt điểm sàn ĐH, CĐ là 6.896 em, đạt 65,85% số thí sinh dự thi (so với năm 2011 tăng 24,6%). 

"Luồng" vẫn chưa hấp dẫn 

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong ít năm qua nhưng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: ĐBSCL dân số hơn 17 triệu người với 174 cơ sở dạy nghề gồm 11 trường CĐ nghề, 35 trường TC nghề và 128 trung tâm dạy nghề.  Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 26,49%. Đặc biệt dân số từ 15 tuổi trở lên chưa đi học, không có bằng cấp còn cao (chưa đi học là 7,8%, không có bằng cấp là 26,6%). Công tác dạy nghề chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu học nghề trong xã hội, chưa đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Vấn đề là chưa có chính sách thực sự phù hợp để khuyến khích các cơ sở dạy nghề mở rộng quy mô tuyển sinh. Công tác xã hội hóa GD&ĐT, dạy nghề chưa được đẩy mạnh…

Như Kiên Giang hiện có 14 trung tâm GDTX, 1 trung tâm NN - TH và 1 trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ; 6 cơ sở GDTX liên kết đào tạo với các trường ĐH, CĐ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên tính đến học kỳ 1 năm học 2012-2013, tỉnh tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 1.142 học viên, con số vẫn còn quá ít so với quy mô cũng như yêu cầu của việc phân luồng HS. 

- Năm học 2012-2013 tỉnh Vĩnh Long có 13 trường THPT tiếp nhận HS vào học hệ GDTX. Ở Tiền Giang HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký dự tuyển vào các trường CĐ, TCCN và TC nghề trong tỉnh như: trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ, CĐ nghề Tiền Giang, trường TC nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang; các trường TC nghề Khu vực Cai Lậy, Khu vực Gò Công... 

- Theo bà Phan Thị Thu Hà – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp, hạn chế hiện nay của tỉnh là: Hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn còn mỏng và chỉ tập trung tại trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Trừ trường CĐ nghề là có ký túc xá, do vậy HS ở nông thôn rất khó theo học hệ trung cấp hoặc CĐ nghề. Sau khi học nghề, các em cũng khó tìm việc vì Đồng Tháp là tỉnh chưa phát triển nhiều về dịch vụ và công nghiệp. Chính vì vậy nên chưa đủ sức thu hút HS học nghề đáp ứng mục tiêu phân luồng HS...

Theo ông Nguyễn Quí Đôn - Phó GĐ Sở GD&ĐT Cần Thơ, địa phương này hằng năm chủ trương phân luồng HS sau THCS theo tỷ lệ 80 - 20 (80% HS vào THPT và 20% vào học GDTX, học nghề…). Tuy nhiên, trong số 20% HS được phân luồng này chỉ có khoảng 2% theo học nghề, còn lại đa số học GDTX. Tức là, HS theo luồng học nghề vẫn còn quá thấp.

Ông Đôn nhận định, trước hết là tâm lý phụ huynh, hầu như ai cũng muốn con em mình học hết THCS sẽ vào học THPT rồi học ĐH. Nhiều người cho rằng ở độ tuổi 14, 15 khi vừa xong THCS vẫn còn quá nhỏ để theo hướng học nghề và làm việc. Không chỉ phụ huynh mà nhiều em HS cũng có tâm lý này, kể cả những em học lực yếu, trung bình, HS gia đình không có điều kiện... HS chưa tha thiết theo "luồng" có thực tế là "luồng" chưa hấp dẫn. Các trường nghề, dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp… nội dung chương trình đào tạo chưa phù hợp, chưa thực tế. Nhiều em học nghề ra khó tìm việc làm hay có trường hợp chưa làm được việc từ nghề đã học. Số trường dạy nghề không nhiều, tập trung ở trung tâm thành phố, nội ô quận, huyện còn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa nhiều.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD&ĐT Kiên Giang thì cho rằng, quy mô, hình thức, bộ máy tổ chức và nhân sự của các TT GDTX hiện còn nhiều bất cập. Việc phối hợp, lồng ghép giữa GDTX và dạy nghề, giữa hoạt động văn hóa và xã hội học tập ở cấp xã tuy có hiệu quả bước đầu nhưng về cơ chế, nội dung, hình thức còn nhiều lúng túng, bất cập… Bà Giang đề xuất, cần sớm có hướng dẫn thực hiện định mức biên chế, biên soạn, phát hành nội dung, chương trình, tài liệu GDTX theo hướng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập. Đồng thời có cơ chế phối hợp với ngành LĐ-TB&XH trong lồng ghép thực hiện chức năng GDTX và dạy nghề tại các trung tâm GDTX và dạy nghề ở địa phương…

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ