Phân luồng đào tạo: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt

GD&TĐ - Đẩy mạnh phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề và thực hiện đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề ngày càng nhiều của Quảng Nam là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, để công tác phân luồng đạt hiệu quả, cần có các giải pháp hết sức căn cơ và quyết liệt.  

Phân luồng đào tạo: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt

Nhu cầu đào tạo lao động nghề đang trở nên bức thiết

Dự thảo Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, nêu rõ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 từ 80% trở xuống, phấn đấu ít nhất có 20% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”.

Nói về sự bức bách cần phải thực hiện việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, ông Nguyễn Thùy – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: “Các nghị quyết, chương trình phát triển của tỉnh Quảng Nam đang đặt ra yêu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề; vậy tại sao ở thời điểm này chúng ta không thực hiện đẩy mạnh việc phân luồng trong giáo dục?”.

Cũng theo lời ông Thùy, phân luồng tốt thì công tác đào tạo nghề sẽ thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, cần có khảo sát, sau đó đưa ra các giải pháp để tập trung đào tạo lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, khi thực hiện phân luồng HS cần phải tính đến giải pháp căn cơ và cần đẩy mạnh tuyên truyền để các bậc phụ huynh nhận thức rằng, không phải học hết lớp 12 và vào cao đẳng, đại học mới là con đường duy nhất.

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Đối với Quảng Nam, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao đang trở nên bức thiết. Một trong 3 nhóm nhiệm vụ đột phá mà tỉnh đã xác định thì đột phá về nguồn nhân lực được xem là số 1 hiện nay. Tôi thực sự xót xa khi biết có nhiều em sau khi học 4 năm đại học, tốn rất nhiều tiền của cha mẹ nhưng ra trường lại cất bằng đại học đi làm công nhân, hay không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội…”.

Giải đáp về những băn khoăn khi thực hiện phân luồng HS, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, khẳng định việc đưa ra chỉ tiêu 80/20% là có căn cứ. Thứ nhất là căn cứ theo Chỉ thị 10 của Trung ương quy định phân luồng HS THCS là 70% học THPT và 30% vừa học chữ vừa học nghề. Trong khi đó, không phải HS nào cũng học giỏi nên khi tuyển sinh vào lớp 10 tỷ lệ cao sẽ khiến nhiều em bị “đuối”, không theo kịp chương trình, phải bỏ học. Nguyên nhân vấn đề này không phải Nhà nước không quan tâm, hay đội ngũ dạy học không chất lượng, mà do chỉ tiêu mình tuyển vào lớp 10 gần như 100%. Nhất là ở các trường học miền núi, lực học của các em HS có hạn, nhưng khi tuyển vào lớp 10 thì gần như 100%.

Cần nhiều hơn những giải pháp cụ thể

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, việc đào tạo nghề không thể thoát ly khỏi quy luật của nền kinh tế thị trường, đào tạo phải gắn với đầu ra. Việc đào tạo nghề trong thời gian tới phải được tổ chức bài bản hơn, gắn với địa chỉ cụ thể. Sản phẩm được đào tạo ra phải được thị trường chấp nhận, không để doanh nghiệp tuyển dụng vào phải đi đào tạo lại. Mục tiêu dự thảo nghị quyết nêu ra có 20% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề được thực hiện tốt, các em ra trường có nghề, nghề đó được sử dụng, có thu nhập ổn định thì sẽ khẳng định được tính đúng đắn của việc phân luồng đào tạo.

Bàn về công tác phân luồng ở Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu nhấn mạnh: “Rõ ràng chúng ta thực hiện phân luồng và định hướng đào tạo chưa tốt và lần này phải tập trung làm tốt, làm quyết liệt hơn. Mục tiêu chúng ta cần đặt ra hiện nay là phải đạt 80% tuyển sinh vào lớp 10 và phấn đấu có ít nhất 20% HS tốt nghiệp THCS đi học nghề. Định hướng nghề nghiệp tốt, giúp các em lựa chọn được nghề phù hợp, ra trường thì có việc làm ngay sẽ giải quyết được thực trạng thừa thầy thiếu thợ lâu nay.

Không ít ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn vì khó thực hiện, đồng thời lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng thừa giáo viên, trường lớp khi thực hiện phân luồng HS. Theo ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính, năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh Quảng Nam có 19.412 HS lớp 10, giảm 1.238 em so với năm học 2015 – 2016.

Do đó, nếu thực hiện phân luồng theo mục tiêu dự thảo nghị quyết thì đến năm học tiếp theo, số lượng HS vào lớp 10 sẽ giảm thêm mấy nghìn em, lúc đó sẽ gây ra tình trạng thừa giáo viên, thừa lớp. Bởi vậy, cần phải xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo để khi nghị quyết ban hành vừa đảm bảo thực tiễn vừa thúc đẩy chuyển đổi đào tạo và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực.

Ông Hà Thanh Quốc nhấn mạnh: Chỉ tiêu về phân luồng HS nêu ra ở dự thảo nghị quyết đã căn cứ cả về mặt chủ trương lẫn thực tiễn. Do đó, nên bảo lưu tỷ lệ đó. Vấn đề còn lại là các địa phương, ban ngành làm sao tham mưu cho Tỉnh ủy những giải pháp căn cơ để con số 20% đi học nghề đảm bảo có việc làm sau khi đào tạo.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.