Day dứt vì việc nhà chưa tròn vai
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, chắc chẳng có ai ước mơ sau này mình sẽ làm nghề lao công. Chị cũng vậy, chẳng bao giờ nghĩ mình lại có thể gắn với nghề này đã 10 năm. Người xưa nói: “Nghề chọn người chứ ít có người chọn nghề” thật đúng. Ngày trước đã có thời gian chị là giáo viên dạy Điện tử viễn thông nhưng vì ham chơi mà bỏ việc. Chỉ đến khi lấy chồng, sinh con chị mới tỉnh ngộ. Nghề lao công vất vả, độc hại và cũng bạc bẽo lắm nhưng vì không tìm được công việc phù hợp nên chị đành chọn nó.
Khi được hỏi về những mong muốn của mình, các chị lao công đều cho biết mong Nhà nước có chính sách đãi ngộ và thu nhập cao hơn nữa để các chị đủ tiền chi phí cho gia đình và gắn bó, yên tâm với công việc. Mong sao người dân có ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh để công việc của các chị phần nào bớt vất vả.
Những ngày đầu đi làm, chị tưởng không trụ được nổi một tháng. Tám tiếng cho một ngày làm việc dưới thời tiết oi bức của mùa hè, khắp người đau ê ẩm, đôi chân chị như muốn khuỵu xuống. Là người vợ, người mẹ của hai đứa con, vậy mà chị chẳng có thời gian cho gia đình. Nấu cơm, tắm rửa, bảo ban hai con học hành, chồng phải thay chị cáng đáng: “Cha con tự cơm nước với nhau, khi em về thì cả nhà đã đi ngủ. Một mình lại thui thủi ăn cơm, dọn dẹp. Nhiều lần, em định bỏ việc nhưng nghỉ thì cũng chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền nên lại gắng gượng tiếp tục công việc. Lâu dần thành quen, càng làm càng gắn với nghề. Thấy phố phường sạch đẹp có công sức của mình cũng thấy vui vui”.
Chị Nguyễn Thị Duyên, Xuân La, Tây Hồ chia sẻ, đã gắn bó với nghề này thì chấp nhận vất vả và thiệt thòi. Khoảng thời gian buổi tối, khi mọi người được sum họp bên mâm cơm hay dạy con học bài, chị lại phải ra đường làm việc. Công việc bắt đầu từ 3 giờ chiều và kết thúc lúc 12 giờ đêm: “Những nữ công nhân vệ sinh môi trường chúng mình thường đùa nhau rằng làm nghề này chỉ được ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”.
Càng những ngày lễ, Tết thì công việc lại càng bận rộn. 18 năm theo nghề, chưa có cái Tết nào chị được sum họp với gia đình trọn vẹn. Công việc làm vợ, làm mẹ cũng không được tròn vai. Nhiều khi chứng kiến những gia đình sum vầy, dắt nhau dạo phố đón Giao thừa, xem pháo hoa hay sum họp trong bữa ăn, chị lại thấy chạnh lòng thương chồng, thương con, thương cả mình nữa. Những lúc ấy chỉ mong công việc sớm hoàn tất để được xúng xính quần áo đẹp cùng chồng con nhưng về nhà, cũng là lúc chị lăn ra giường ngủ vì mệt mỏi, rã rời.
Chị Nguyễn Thị Duyên, Xuân La, Tây Hồ cho biết, làm nghề này chỉ được “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” |
Lặng thầm cống hiến
Chị Nguyễn Thị Liên ở Bắc Từ Liêm chỉ vào đống rác cao ngất trên đường Xuân La cho biết: “Lao công như chúng em giờ đây không đơn thuần là quét đường mà đi bốc vác rác là chính”. Nhìn những bao rác nằm chình ình bên lề đường mới thấm thía công việc vất vả và đầy nguy hiểm của những nữ công nhân vệ sinh môi trường như các chị.
Mặc dù đã có quy định rõ ràng về việc đổ và phân loại rác thải nhưng nhiều người dân vẫn không chấp hành đúng quy định, vẫn vô tư ném bất kỳ thứ gì không dùng đến ra đống rác.
Từ chất thải xây dựng như gạch, ngói, vôi vữa đến những đồ dùng cũ, hỏng cồng kềnh như giường, tủ, đệm, tivi đều được coi là rác. Đẩy xe rác bình thường đã nặng rồi, gặp trời mưa bão lại càng nặng hơn. Có lúc các chị phải bặm môi, gò mình ra mà nhích từng bước.
Chị Liên kể, Tết Trung thu vừa rồi, sau cuộc vui, các bạn trẻ ra về để lại trên các tuyến phố đẹp là những bãi rác khổng lồ. Ngày hôm đó, các chị phải dọn đến 5 giờ sáng mới xong công việc. Lo lắng hơn là những lần đi gom rác, các chị phải cẩn thận đi găng tay, ủng để tránh dính kim tiêm vứt bừa bãi trên các lề đường, bãi rác.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ, làm nghề này nếu không kiên nhẫn thì dễ bỏ việc lắm. Công việc vất vả, hôi hám, phải thức khuya dậy sớm mà thu nhập chỉ 5 đến 6 triệu đồng. Tai nạn trong lúc làm việc như bị mảnh thủy tinh cứa, cành cây, tôn lợp, biển báo rơi vào người mỗi khi gặp giông bão là chuyện rất dễ xảy ra. Hơn nữa, phải mang vác nặng nên hầu như chị em làm nghề này đều gặp các vấn đề về sức khỏe như cột sống và thấp khớp.
Mới 37 tuổi, nhưng khi thời tiết thay đổi, lưng và chân chị Hoa lại đau nhức. Mỗi lần chị đi bệnh viện, chi phí điều trị cũng mất đến nửa tháng lương. Nhưng điều chị Hoa buồn nhất là nhiều người trong xã hội xem thường công việc này. Có những lúc, gặp hành vi vứt rác bừa bãi của một số người mặc dù thùng rác ngay trước mặt họ, chị lên tiếng nhắc nhở thì nhận được những ánh nhìn hằn học và những câu nói đầy khiếm nhã như: “Chúng tôi trả tiền cho các chị đi gom rác thì chúng tôi có quyền vứt”.
Dẫu biết trong xã hội mỗi nghề nghiệp đều có sự hy sinh, cống hiến khác nhau. Song nghề lao công có lẽ là sự cống hiến thầm lặng nhất. Dưới thời tiết khắc nghiệt, mồ hôi ướt đầm trên lưng áo, những tấm lưng oằn xuống cõng những bao chất thải nặng đưa lên xe. Ngày nào cũng vậy, những người phụ nữ gày gò trong bộ quần áo bảo hộ, đối mặt với những hiểm nguy chực chờ, song ở họ vẫn ánh lên sự lạc quan, yêu đời, như con ong cần mẫn và lặng lẽ đem lại vẻ đẹp sạch sẽ cho Thủ đô.