Theo đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ấn định thời gian là ngày 20/5 để Helsinki đưa ra phản hồi cuối cùng về việc liệu nước này có trả tiền khí đốt bằng đồng rúp hay không.
Cơ chế thanh toán mới cho “các quốc gia thù địch” đã được Tổng thống Nga Putin công bố vào tháng 3 để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow về cuộc tấn công quân sự vào Ukraine.
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu Tytti Tuppurainen của Phần Lan cho biết nước bà sẽ không đồng ý với “vụ tống tiền này” và công ty năng lượng của họ là Gasum sẽ theo thỏa thuận trước đó với Nga.
“Chúng tôi sẽ không trả bằng đồng rúp. Các công ty phải thực hiện điều này trong khuôn khổ hợp đồng của riêng họ đối với Nga” – bà nói.
HS báo cáo dòng khí đốt của Nga đến Phần Lan và “phần lớn châu Âu” có thể ngừng vào ngày 21/5.
Không giống như các quốc gia Trung và Đông Âu, sự phụ thuộc của Phần Lan vào khí đốt Nga tương đối nhỏ. Năm ngoái, khí đốt chỉ chiếm 5% tổng năng lượng tiêu thụ và các hộ gia đình sống dựa vào khí đốt đã được bảo vệ bằng các biện pháp khẩn cấp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty hóa chất và chế biến gỗ, vốn sử dụng khí đốt làm nhiên liệu thô chứ không phải nguồn năng lượng, có thể rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Họ đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong một thời gian.