Hoạt động “dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông” được Bộ GD&ĐT quy định (trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT) là hình thức thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục. Trên thực tế, nhiều trường đã phát huy rất tốt vai trò hỗ trợ này. Thậm chí, có trường còn thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến cùng thời điểm, trong cùng một lớp học, khi lớp có học sinh không thể đến trường.
Việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại đã trở thành quen thuộc với nhiều cơ sở giáo dục. Thậm chí không ít trường, chỉ trong hơn một tháng đã chuyển hình thức đến vài lần mà việc tổ chức dạy học vẫn trơn tru, không lúng túng. Để đạt được điều này, các nhà trường, giáo viên và học sinh đã trải qua gần 3 năm học nhiều khó khăn để chuẩn bị, làm quen, thích ứng.
Đến nay, dạy học trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường. Dù đang tổ chức dạy học trực tiếp, các trường vẫn có cách làm của riêng mình để duy trì kĩ năng dạy và học trực tuyến; sử dụng dạy học trực tuyến để bổ trợ thêm việc học trực tiếp tại trường.
Theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10 này. Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình).
Do đó, trong thời gian tới sẽ có thêm những vùng, địa phương học sinh được quay trở lại trường học. Bộ GD&ĐT đã lưu ý những trường này cần tiếp tục duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
“Vốn liếng” các nhà trường có được khi dạy học trực tuyến là những bài giảng điện tử, học liệu số chắc chắn sẽ không bị “bỏ quên”, lãng phí. Việc xây dựng học liệu số, video bài giảng cũng không vì học trực tiếp mà dừng lại. Hoạt động phối hợp giữa cha mẹ học sinh và nhà trường vốn được hình thành tốt hơn khi dạy học trực tuyến chắc chắn vẫn được các nhà trường chú trọng duy trì, phát huy.
Duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình là chủ trương chung; còn cách thức duy trì thế nào, mức độ ra sao thường do các cơ sở giáo dục quyết định. Bởi vậy, vai trò của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu nhà trường vô cùng quan trọng để dạy học trực tuyến không chỉ hỗ trợ dạy học trực tiếp, mà còn thúc đẩy phát triển năng lực sử dụng CNTT trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi lúc, mọi nơi.