Phân định rõ trách nhiệm trong quản lý giáo dục

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều thông tin tiêu cực về GD lan truyền rộng rãi, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Để giúp sự nghiệp giáo dục được phát triển lành mạnh, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương mỗi khi có “sự cố” xảy ra. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế). Ảnh: Hữu Cường
Trong giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế). Ảnh: Hữu Cường

- Một số sự việc tiêu cực liên quan đến nhà trường vừa qua như: “Cô giáo ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với nam sinh”; học sinh mầm non ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn... Theo ông, trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan liên quan đến vấn đề này như thế nào?

- Thời gian qua, một số sự việc tiêu cực xảy ra liên quan đến trường học đã được báo chí, mạng xã hội tuyên truyền quá mức cần thiết, gây hoang mang trong xã hội. Tôi nghĩ rằng sai phạm thì phải lên án nhưng điều quan trọng là phải phân tích thấu đáo để tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp khả thi nhằm giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, không nên tạo ra dư luận xấu và có cái nhìn sai lệch đối với GD.

Bởi vì, những hiện tượng xảy ra vừa qua chỉ là cá biệt và không thể đại diện cho hàng triệu giáo viên. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm của những tập thể và cá nhân có liên quan khi để hiện tượng tiêu cực giáo dục xảy ra trong địa phương, cơ quan mình quản lý. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về lãnh đạo nhà trường, tiếp đến là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thiết nghĩ, các cơ quan truyền thông, bên cạnh có những bài viết phản biện, phê phán những tiêu cực thì cũng rất cần có nhiều bài viết biểu dương những việc làm tốt, những nhân tố tiêu biểu tích cực để tạo ra sự tin tưởng đối với xã hội trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Khuyến khích mọi người chung tay vun đắp cho sự nghiệp giáo dục ngày càng tốt đẹp.

Vì vậy, trước những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm, truyền thông cần phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan với liều lượng hợp lý để người dân không bị hoang mang, tạo dư luận cần thiết để các ngành chức năng kịp thời vào cuộc thực hiện có hiệu quả.

Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương

- Nói là vậy, như lâu nay mỗi khi có những thông tin tiêu cực liên quan đến GD xảy ra, dư luận thường chất vấn ngành GD, thậm chí là đổ lỗi cho GD. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đảng đã khẳng định, nhiệm vụ phát triển GD là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, do đó giáo dục đạt kết quả tốt thì đó là thành tích của cả hệ thống chính trị, nếu có khuyết điểm thì cả hệ thống chính trị cũng cùng phải chịu trách nhiệm, nhưng cần phân định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có nhiều việc chưa thực hiện rõ phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Vì thế, mỗi khi có sự việc xảy ra liên quan đến nhà trường, thầy cô giáo và học sinh là dư luận đổ hết lên ngành GD.

Trong thực tế không phải hoàn toàn như thế, ngành GD phải chịu trách nhiệm chính về công tác chuyên môn, nhưng nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục lại thuộc về ngành khác, ví dụ: Thiếu giáo viên thì trách nhiệm này trước hết thuộc về ngành Nội vụ.

Trong công tác quản lý đã phân cấp cho các địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm khi tại địa phương xảy ra những tiêu cực trong giáo dục. Vì thế, không thể đổ hết cho ngành GD và phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, trong đó có trách nhiệm của xã hội và gia đình.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ