Cha mẹ cho tài - đức, thầy cho tư duy
Thông tin bao gồm nhiều dữ liệu do ông nghiên cứu, tìm tòi, khảo cứu tổng hợp từ các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chính trị… trong và ngoài nước. Từ đó, rút ra những giá trị, bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh áp dụng vào công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.
Những câu chuyện về Bác bắt đầu từ khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung tỏ ra sắc sảo, thông minh khi đối đáp với mọi người. Hỏi ra, mới hay đó là con trai của cụ Nguyễn Sinh Sắc, người đời thán phục đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.
PGS. Đặng Quốc Bảo chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nhưng PGS.TS. Đặng Quốc Bảo cho rằng, tục ngữ Việt Nam còn có một câu rất hay khác là “phúc đức tại mẫu”. Nguyễn Ái Quốc được thừa hưởng và nuôi dưỡng trái tim từ mẹ, từ các chị. Cuộc đời của mình, chàng thanh niên xứ Nghệ cũng được gặp rất nhiều người thầy đáng kính, nhưng Người thực sự không qua trường lớp bài bản từ đầu đến cuối nào. Trong lý lịch gửi Quốc tế Cộng sản, thanh niên Nguyễn Ái Quốc ghi trong phần học vấn là: Tự học.
Theo PGS. Đặng Quốc Bảo: Người cha cho con sức mạnh trí tuệ, quyền uy; người mẹ cho con sức mạnh trái tim, tâm hồn. Còn người thầy cho tư duy. Có tư duy, phương pháp thì cùng với tư chất, phẩm chất của mình, con người có thể học hỏi và tiến xa. Người cha, người mẹ, người thầy là 3 người quan trọng quyết định đến việc giáo dục một con người, từ xưa đến nay.
Khi ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba từ quốc gia này sang quốc gia khác, Người gặp rất nhiều nhân vật quan trọng, và sử dụng thông thạo trên 10 thứ tiếng. “Chắc chắn lúc ấy, Nguyễn Ái Quốc phải có một tầm trí tuệ, hiểu biết uyên thâm thì mới diện kiến, trò chuyện, trở thành bạn của những luật sư, bác sĩ, nhà triết học… chứ không phải chỉ là lao động bình thường và đơn thuần làm đủ mọi nghề để kiếm sống”, nhà quản lý giáo dục nói về Bác Hồ.
Quản lý để cấp dưới tâm phục khẩu phục
Bác Hồ là một người Việt Nam có nhân cách và trí tuệ vĩ đại. Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kéo được rất nhiều nhân sĩ, trí thức, bác sĩ, kể cả ở nước ngoài hoặc từng ở bên kia chiến tuyến về góp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.
Đó là cái tài đặc biệt: Biến đổi thủ thành đối tác, biến đối tác thành đồng minh, biến đồng minh thành đồng chí và đưa đồng chí thành tri âm, tâm giao. “Sự nghiệp quản lý giáo dục và đào tạo, dù là cấp Sở, Phòng hay trong mỗi trường học cũng như vậy. Ngày nay đối tác rất phong phú, đa dạng, người làm quản lý giáo dục cần làm cho người dưới quyền tâm phục, khẩu phục thì mới đại hiệu quả cao”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo khẳng định.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục. Ảnh tư liệu |
Cũng theo nguyên GĐ Học viện Quản lý giáo dục: Bốn tố chất của con người trong cuộc sống hiện đại là Thông minh trí tuệ; Thông minh cảm xúc; Vượt qua nghịch cảnh và làm việc sáng tạo. Đây cũng là những điều mà Bác Hồ đã dạy trước kia và cho đến nay vẫn còn giá trị để áp dụng vào đổi mới giáo dục đào tạo.
Có một câu chuyện kể lại, trong lần về thăm một ngôi trường, nói chuyện với thầy cô giáo, Bác có hỏi: Thầy cô giải thích cho Bác “sư hinh” là gì? Có một thầy giáo trả lời Bác: Sư hinh chính là người thầy cao quý, cao đẹp. Sau khi nghe xong, Bác cảm ơn thầy giáo đã trả lời đúng, nhưng cũng hóm hỉnh: Người thầy là thiêng liêng, cao quý, nhưng có một số thầy không tiêu biểu cho “sư hinh” mà “sinh hư”.
“Đó cũng là lời căn dặn chung nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về trách nhiệm sứ mệnh của người làm nghề giáo trong mọi hoàn cảnh lịch sử, xã hội để đóng góp vào sự nghiệp giáo dục quốc gia”, PGS. Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.