Theo khuyến cáo của chủ biên chương trình, đặc thù của hoạt động này cũng cần được chú ý để tổ chức hiệu quả, tránh hình thức.
Nội dung hoạt động giáo dục theo chủ đề là cốt lõi
Tuần thứ 2 sau khi khai giảng năm học mới, Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) bắt tay vào triển khai chủ đề đầu tiên của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đó là: “Tìm hiểu và phát huy truyền thống giáo dục của nhà trường”. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, chủ đề này chủ yếu thực hiện qua hình thức sinh hoạt dưới cờ; hoặc GV chủ nhiệm trực tiếp trao đổi với HS về nội quy nhà trường theo đơn vị lớp; đồng thời, GV cùng HS thống nhất xây dựng nội quy lớp học và đưa ra giải pháp thực hiện…
“Có 11 chủ đề Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được trường dự kiến thực hiện. Cách thức triển khai sẽ linh hoạt, đa dạng, phong phú, tùy theo từng nội dung và có thể tổ chức trong hoặc ngoài nhà trường” - chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Văn Minh đồng thời thẳng thắn nêu khó khăn trong năm đầu triển khai, trước hết bởi sự mới mẻ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tiếp nữa là bởi GV dù được tập huấn nhưng không phải chính môn mà chỉ kiêm nhiệm. Trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, đa số HS nghèo và cận nghèo nên việc tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú - vốn cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác - luôn không dễ dàng…
Trường THPT Hàm Long (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng sẵn sàng triển khai phân phối chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 với 11 chủ đề. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương chia sẻ, hoạt động này được phân công cho cán bộ đoàn và GV chủ nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ chỉ kiêm nhiệm cũng là khó khăn trong triển khai.
Bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết: Trong giờ học chính khóa, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được quy định 105 tiết/năm học, gồm 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường); 35 tiết sinh hoạt lớp (nhóm lớn, quy mô lớp học); 35 tiết hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ (quy mô lớp học, nhóm lớp học).
Mỗi chủ đề được tổ chức theo hình thức sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giáo dục theo chủ đề và sinh hoạt lớp. Nội dung hoạt động giáo dục theo chủ đề là cốt lõi; nội dung sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp nhằm mục đích bổ trợ, củng cố kỹ năng cần đạt.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tổ chức ngoài giờ lên lớp gồm câu lạc bộ và hoạt động trải nghiệm theo chủ đề định kỳ. Theo đó, hoạt động câu lạc bộ giúp HS sử dụng kiến thức có được từ các môn học, hoạt động giáo dục trải nghiệm, thực hiện mục tiêu mà Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đặt ra. Hoạt động câu lạc bộ trải nghiệm định kỳ cần đảm bảo tính tự nguyện của các thành viên tham gia, đồng thời có sự quản lý, thống nhất của nhà trường.
Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề định kỳ được tổ chức vào giữa kỳ hay cuối kỳ theo quy mô khối lớp hoặc trường. Hoạt động này mở rộng phạm vi, không gian, giúp HS có cơ hội trình diễn, thể hiện và tiếp tục củng cố rèn luyện những gì đã học trong môi trường sống động hơn, gần với cuộc sống hơn.
“Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, Hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, GV đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của đội ngũ. Cùng với đó, căn cứ quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể, việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đặc biệt tổ chức ở quy mô khối lớp, trường phải có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng:
GV chủ nhiệm, Tổng phụ trách, Bí thư Đoàn Thanh niên, GV dạy học chuyên biệt (Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể chất), Ban giám hiệu, các tổ chức chính trị, xã hội, cha mẹ HS, các nhà tài trợ... Với hoạt động trải nghiệm được tổ chức ngoài lớp học, trường học, khuyến khích cha mẹ và Ban đại diện cha mẹ HS tham gia tổ chức và quản lý cùng GV chủ nhiệm lớp và nhà trường” - Phó Giám đốc Đinh Thị Hường lưu ý.
Ảnh minh họa Internet. |
Trải nghiệm không có nghĩa là phải đến bảo tàng, đi dã ngoại…
Với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cô Huỳnh Lê Thu Thủy, GV Trường THPT Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Tùy theo tình hình thực tế của nhà trường, địa phương để xây dựng kế hoạch cũng như phân phối chương trình phù hợp, vì đây là chương trình mang tính mở. Cô Thủy cũng nhấn mạnh, không nhất thiết trải nghiệm là phải tham quan bảo tàng, đi dã ngoại…
Hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức tại trường thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ như: Tổ chức trò chơi, sân khấu tương tác, tổ chức các hội thi, hoạt động nhân đạo, sinh hoạt tập thể, sân khấu hóa…
Bên cạnh đó, bộ sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hướng dẫn HS cách rèn luyện các kỹ năng khác nhau. Khi HS được chuẩn bị về kỹ năng (thông qua tiết hoạt động giáo dục tổ chức hàng tuần theo thời khóa biểu), các em sẽ tham gia hiệu quả hơn với hoạt động thực tế mà nhà trường tổ chức ở quy mô lớn hơn (thỉnh thoảng - định kỳ).
Để tổ chức hiệu quả Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, theo kinh nghiệm của cô Huỳnh Lê Thu Thủy, cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn để GV được học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như kỹ năng tổ chức. Cung cấp thêm thông tin, tài liệu để thầy cô tham khảo giúp quá trình thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm sẽ gắn nhiều với thực tiễn cuộc sống, vì vậy các trường sẽ quyết định lựa chọn nội dung, hình thức, cũng như không gian hoạt động sao cho phù hợp với HS, GV, điều kiện của nhà trường, địa phương. Bên cạnh đó, GV cần chịu khó tìm tòi, không ngừng đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm, cũng như khơi mở cảm xúc, hứng thú, đam mê cho HS, từ đó tìm ra phương pháp thích hợp để tổ chức các hoạt động trải nghiệm được hiệu quả.
Còn theo lưu ý của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Đinh Thị Hường, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch, trong đó xác định cụ thể nội dung hoạt động và thời lượng thực hiện theo từng loại hình hoạt động quy định trong chương trình.
Linh hoạt thời lượng dành cho hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp giữa các tuần, bảo đảm thực hiện các nội dung hoạt động theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (được thể hiện trên thời khóa biểu) và tổ chức hoạt động giáo dục tập thể khác theo nhiệm vụ. Phương pháp tổ chức có thể là hội thảo chuyên đề; dự án; hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức diễn đàn, giao lưu; trò chơi; sân khấu tương tác; hội thi; nêu gương…
Bộ GD&ĐT lưu ý: Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, GV được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp. GV được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của GV làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.