Phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục: 'Quyền rơm, vạ đá'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hai điều kiện quan trọng nhất là con người và tài chính, ngành Giáo dục đều không có quyền quyết định. Điều này dẫn đến nhiều bất cập và khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, kỳ vọng cũng như áp lực xã hội đối với ngành không nhỏ, thậm chí có việc đơn vị khác thực hiện nhưng các đại biểu Quốc hội lại yêu cầu người đứng đầu ngành Giáo dục giải trình.

Cô trò Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học.

Cha chung… khó giải quyết

Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) hiện còn thiếu 2 giáo viên. Việc này tồn tại 2 năm nay, dù đã ý kiến nhiều nhưng vì không có biên chế nên không được tuyển. Trong khi đó, công việc của nhà trường vẫn phải tiến hành bình thường, số tiết thực hiện theo quy định, việc giảng dạy phải bảo đảm đủ chương trình…, nên đội ngũ hiện có phải gồng mình rất vất vả.

Thầy Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, chuyện thiếu đội ngũ không chỉ tồn tại ở Trường Tiểu học Thụy Sơn, mà nhiều đơn vị trên địa bàn huyện cũng gặp tình trạng tương tự. Thiếu cả giáo viên và đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin, văn phòng, y tế học đường… Công tác tuyển dụng thì chậm.

Khó khăn, theo thầy Nguyễn Văn Chanh, là nhà trường không có quyền tuyển dụng mà chỉ có quyền đề xuất, báo cáo lên cấp trên về tình hình đội ngũ, thừa thiếu ra sao, cần bổ sung như thế nào và chờ tiếp nhận. Cơ quan cấp trên đã thực hiện tốt việc định biên và biên chế về cho nhà trường, nhưng thời gian bổ sung chậm và còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

Ngành Giáo dục không quyết định được điều kiện, tiêu chuẩn, hình thức, cách thức tuyển dụng viên chức giáo viên mà do Nội vụ chủ trì. Điều này, theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, Thái Bình là phải căn cứ vào Nghị định 115 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Thực trạng trên đôi khi dẫn đến chuyện “chéo ngoe” là trong khi trường cần giáo viên môn học này, nhưng lại được phân về giáo viên một môn học khác. Hậu quả, nhà trường và học sinh gánh đủ vì không thể đổi cũng chẳng thể để thầy cô… ngồi chơi.

Liên quan đến tổng số lượng và cơ cấu giáo viên được giao, ông Đỗ Trường Sơn cho biết, tại Thái Bình, việc giao biên chế cho các huyện theo tổng số lớp của cả huyện. Ví dụ, huyện Thái Thụy có 100 lớp 6, giao đủ theo định mức là 1,9 thì tính ra sẽ có 190 giáo viên. Bất cập xảy ra khi huyện giao biên chế về cho từng trường.

Đơn cử, trường có 15 lớp, nếu nhận đúng định mức là 1,9 giáo viên/lớp sẽ ra 28,5 giáo viên. Nhưng quyết định cơ quan Nhà nước không thể giao 28,5 mà phải giao là 28 hoặc 29. Như vậy, chỉ cần 2 trường, mỗi trường giao thừa 0,5, đương nhiên sẽ có một trường nào đó phải thiếu đi 1. Nếu số lớp không phải là 15 mà là 13, 17… lớp thì số này còn lẻ nữa…

Liên quan đến cơ cấu số lượng, nhưng tính tại một trường theo từng môn cũng phát sinh bất cập tương tự. Chẳng hạn, môn Toán là 0,5 giáo viên/lớp, một trường có 10 lớp sẽ được 5 giáo viên; nhưng nếu là 7 lớp thì được 3,5 giáo viên. Câu chuyện bất cập lại lặp lại như ở trên. Nếu Toán giao thừa 0,5 người, Vật lý giao thừa 0,2 người, Ngữ văn giao thừa 0,3 người, như vậy mất đi một vị trí của môn khác, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ theo môn học.

Một bất cập khác được ông Đỗ Trường Sơn chỉ ra liên quan đến Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Nghị quyết cho phép các trường hợp đồng giáo viên, nhân viên, nhưng lại “khóa” bằng quy định “trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế)”.

Như vậy, nếu trường thiếu giáo viên môn học nào đó, nhưng tổng biên chế đã đủ sẽ không được phép hợp đồng; đồng thời chỉ được hợp đồng khi có người nghỉ thai sản, nghỉ hưu… Thiếu giáo viên mà không được phép hợp đồng sẽ dẫn đến tình trạng dạy chéo ban, chéo môn.

Trong thời gian qua, công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên có những bất cập. Đưa nhận định này, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay: Ở cấp huyện, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên không phải do phòng GD&ĐT mà phòng Nội vụ chủ trì, nên khó gắn kết được về mặt chuyên môn trong nhà trường. Khi ngành Giáo dục không được quyền chọn nhân sự thì việc tuyển dụng sẽ khó sát với thực tế, chuyên môn.

Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 đã thay đổi cả tư duy sắp xếp, bố trí, tuyển dụng đội ngũ, nhất là trong triển khai lớp 10 từ năm học 2022 - 2023. Việc học sinh được lựa chọn môn học khiến bố trí, sắp xếp đội ngũ trong các nhà trường khó khăn hơn và có thể dẫn đến phát sinh nhiều hơn tình trạng môn thiếu người, môn lại thừa; có những giáo viên phải dạy rất nhiều, nhưng có giáo viên lại không có tiết dạy...

Học sinh Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) trong một buổi tư vấn hướng nghiệp.

Học sinh Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) trong một buổi tư vấn hướng nghiệp.

Kinh phí cho giáo dục: Múa gậy trong bị

Từ góc độ cấp phòng GD&ĐT, ông Đỗ Trường Sơn cũng chia sẻ một số bất cập liên quan đến vấn đề tài chính đang gặp phải. Theo ông Sơn, ở địa phương, tỉnh giao cho huyện ngân sách sự nghiệp giáo dục, nhưng lại kèm theo đó văn bản hướng dẫn định mức phân bổ. Ví dụ, với quỹ lương, tỉnh giao theo số có mặt, không phải theo số biên chế được giao (chẳng hạn huyện được giao 1.000 biên chế, nhưng có mặt 900 biên chế, thì chỉ được giao lương 900 biên chế). Điều này dẫn đến khó khăn là nếu nhà trường thiếu đội ngũ, muốn hợp đồng thêm người làm việc cũng không thể có kinh phí.

Với kinh phí hoạt động thường xuyên cũng có văn bản quy định cụ thể về định mức phân bổ - đó là phân bổ theo đầu trường, đầu học sinh. Về thủ tục thì trưởng phòng GD&ĐT ký quyết định phân bổ; nhưng trên thực tế nhiệm vụ chỉ là cộng trừ, nhân chia theo quy định đã có để ra số tiền phân bổ cho trường.

Vì phòng GD&ĐT không có quyền chủ động nên khi muốn triển khai tập trung một nhiệm vụ nào đó (ví dụ, muốn chỉ đạo điểm một trường phát triển ứng dụng công nghệ thông tin; hoặc trường chất lượng cao muốn tập trung cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu…), cần ưu tiên hoạt động thường xuyên hơn không thể được. Do đó, thực tế hiện nay chỉ là chỉ đạo “miệng” các trường mà không kèm theo điều kiện thực hiện.

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, hai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục quan trọng nhất là con người (đặc biệt đội ngũ giáo viên) và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhưng cả hai điều kiện này, ngành Giáo dục đều phải đối mặt với bất cập và thách thức. Trong đó công tác nhân sự phụ thuộc nhiều vào ngành nội vụ và kinh phí thì phụ thuộc vào ngành tài chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngành Giáo dục thiếu đi quyền chủ động để có thể tổ chức tốt nhất các hoạt động giáo dục.

Thực tế, kinh phí địa phương dành cho giáo dục còn hạn hẹp, nhất là ở những địa phương khó khăn như Đắk Lắk. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phải thay đổi để đồng bộ, việc kế thừa thiết bị cũ không thể đáp ứng được yêu cầu.

Hoặc với việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các nhà trường trên địa bàn tỉnh cũng rất khó khăn về nguồn kinh phí để có thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhiều điều kiện khác trong nhà trường để có thể duy trì chuẩn và nâng chuẩn. Bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 khi về địa phương cũng gặp khó khăn về kinh phí để triển khai.

Cô trò Trường Mầm non Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Cô trò Trường Mầm non Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Cần nhiều quyền chủ động hơn

Trước khó khăn từ thực tế, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đề xuất cần cho ngành Giáo dục quyền chủ động hơn về con người và tài chính. Tốt nhất là ngành được quyền tuyển chọn, sắp xếp và sử dụng đội ngũ; còn về tài chính cần ưu tiên hơn nữa cho ngành Giáo dục, vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển.

Ông Đỗ Trường Sơn cho rằng, được giao tự chủ về biên chế, khoán quỹ lương là mơ ước, nhưng khó khả thi. Từ đó, ông Sơn đưa ra đề xuất khác, đó là nếu tỉnh đã giao biên chế thì phải giao cho đến từng trường. Các trường xây dựng đề án vị trí việc làm, cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vị trí việc làm phải xây dựng đến từng môn học. Có như vậy mới có thể khắc phục được tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các trường như hiện nay. Về tài chính, ông Đỗ Trường Sơn mong muốn giao quyền tự chủ cho cấp huyện; tỉnh giao kinh phí tổng, còn phân chia thế nào thì để huyện chủ động cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Từ thực tế ở cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Văn Chanh đề xuất cần tăng định biên giáo viên/lớp. Với tiểu học, hiện quy định tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp; nhưng khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3, do đó cần tăng định biên lên khoảng từ 1,7 - 1,8 mới có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, sớm tuyển dụng làm sao các trường có đủ đội ngũ và đội ngũ bảo đảm có chất lượng, đồng bộ các môn học, nhiệm vụ. Khi tuyển dụng, mong nhà trường được cùng tham gia để chọn giáo viên phù hợp, chất lượng.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: Quyền của ngành Giáo dục là chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, vận hành toàn bộ hệ thống dạy học… Trong khối nhà trường, nhóm trường chất lượng cao còn được tự chủ về tài chính. Quyền đi liền với trách nhiệm, quyền càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Đặc biệt, trách nhiệm ấy càng trở thành trọng trách đối với những người quản lý tâm huyết với nghề.

Biên chế sự nghiệp giáo dục hiện nay do 3 cơ quan có thẩm quyền quản lý, bao gồm: Bộ Nội vụ giao, duyệt biên chế, Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên. Yêu cầu đặt ra đối với ngành Giáo dục là “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” nhưng ngành Giáo dục không được tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, điều tiết giáo viên cho phù hợp với quy định chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, vấn đề thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông trong nhiều năm qua không được giải quyết triệt để.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ