Phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục: Bất cập do đâu?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo quy định phân cấp quản lý, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Nội vụ và UBND tỉnh cùng tham gia công tác quản lý đối với lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số nội dung về tài chính, con người… mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không đúng như chỉ đạo của Chính phủ. Điều này dẫn đến những khó khăn, bất cập cho ngành Giáo dục như tuyển dụng thừa, phân bổ ngân sách của giáo dục sang ngành khác…

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).

Giáo viên “2 không”

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Năm học 2022 – 2023, toàn trường sẽ nghỉ vào chiều thứ 6 hàng tuần. Số giáo viên của trường chỉ có thể tổ chức được 32 tiết/tuần, tương đương với 5 buổi. Chúng tôi không xây dựng giá dịch vụ với một số môn học, khối lớp 1 - 2 vẫn được học tiết tự chọn ở môn Anh văn”. Theo tính toán, Trường Tiểu học Núi Thành cần bổ sung 9 biên chế giáo viên nhưng đầu năm học này, nhà trường chỉ tiếp nhận được 6 người. Kinh phí được cấp trên tổng số giáo viên và học sinh nên nhà trường không thể hợp đồng thêm để đảm bảo tổ chức dạy – học 10 buổi/tuần.

Một trong những lý do khiến các trường tiểu học ở quận Hải Châu thiếu giáo viên là cách tính của Phòng Nội vụ, khi xem vị trí việc làm Tổng phụ trách Đội là một biên chế giáo viên. Trong khi đó, trên thực tế, ngoài công việc liên quan đến hoạt động Đội thì Tổng phụ trách chỉ đảm nhận thêm 2 tiết dạy/tuần để đủ số giờ đứng lớp. Thay vì đảm bảo hệ số 1,5 giáo viên/lớp, trường nào cao nhất mới chỉ đạt được 1,46, còn lại là 1,4 hoặc 1,42. Một số trường tiểu học khác trên địa bàn quận còn không đảm bảo được 32 tiết/tuần, buộc phải xây dựng một số môn học theo giá dịch vụ như Anh văn. Các trường như Tiểu học Lý Công Uẩn, Lý Tự Trọng còn thiếu giáo viên chủ nhiệm nhưng rất khó tìm giáo viên hợp đồng do chỉ có thể ký 3 tháng/lần.

Theo phân cấp quản lý, sở GD&ĐT chỉ tuyển giáo viên bậc THPT còn từ cấp THCS trở xuống sẽ do chủ tịch quận, huyện quyết định. Có nơi, chủ tịch quận, huyện sẽ giao phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với phòng Nội vụ và Tài chính, nhưng có nơi làm ngược lại. Ngay như ở Đà Nẵng, một số quận, huyện, dù không còn là chủ công nữa nhưng ngành GD-ĐT vẫn có vai trò tham mưu trong quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên. Thế nhưng, cũng có địa phương, lãnh đạo phòng GD&ĐT thậm chí không biết sự biến động trong đội ngũ vì “ai nghỉ hưu hay nhận quyết định phân công công tác cũng đều qua phòng Nội vụ. Phòng GD&ĐT không còn là nơi quản lý nhân sự của ngành mình mà chỉ đơn thuần là nơi phụ trách về công tác chuyên môn” – một trưởng phòng GD&ĐT cho biết.

Cho dù vẫn có sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa phòng Nội vụ và phòng GD&ĐT, nhưng ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) nhận xét, mức độ tác động trong công tác nhân sự không nhiều như trước. Sau khi có sự thay đổi trong phân cấp quản lý, ngành Giáo dục không còn nắm thông tin tuyển dụng, có những nơi ngành Giáo dục còn không được tham mưu, không có sự phối hợp giữa các ngành Nội vụ và Giáo dục. Đây là một trong những lý do của tình trạng tuyển dụng không sát với thực tế, tạo ra nghịch lý thừa – thiếu cục bộ như vừa qua tại một số địa phương.

Năm học 2022 – 2023, học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ chỉ học 9 buổi/tuần thay vì 10 buổi như trước đây.

Năm học 2022 – 2023, học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ chỉ học 9 buổi/tuần thay vì 10 buổi như trước đây.

Chỉ cấp đủ khoản chi cho con người

Ông Trương Quang Dũng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, trong xây dựng dự toán kinh phí cho năm 2022 của ngành Giáo dục cần khoảng 210 tỷ đồng, bao gồm cả chi cho con người và các hoạt động khác. Tuy nhiên, phòng Tài chính chỉ cấp về cho ngành 193 tỷ. “Trong số này, chi cho quỹ lương đã hết 164 tỷ đồng. Các trường phải tiết kiệm 10% để bù tăng lương, các hoạt động sự nghiệp, quỹ cho biên chế mới. Tổng kinh phí cho hoạt động chuyên môn của ngành chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng/năm cho cả ba bậc học… Tính ra không được bao nhiêu”, ông Dũng thông tin.

Có một thời gian (khoảng 2 - 3 năm), Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa không biết kinh phí cấp về cho các trường như thế nào vì không thông qua phòng. “Phòng Tài chính làm việc trực tiếp với các trường. Giai đoạn đó, phòng GD&ĐT không có kế toán nên phòng Tài chính không chuyển về cho chúng tôi”, ông Dũng cho biết thêm.

Trong kết luận thanh tra cách đây 3 năm về tình hình phân bổ ngân sách tại huyện Nghĩa Hành cho thấy, tỉnh cấp đủ ngân sách giáo dục về huyện nhưng huyện sử dụng ngân sách này cho các lĩnh vực khác. Điều này, theo ông Dũng, đã khiến các trường học rất khó khăn trong sửa chữa nhỏ, cải tạo trường lớp. “Những trường nào có khả năng xã hội hóa thì cơ sở vật chất còn được sửa sang, trường lớp khang trang do được tu bổ hàng năm. Nhưng với nhiều trường ở vùng khó thì điều này gần như không thể. Bởi với những trường này, khoản chi công tác phí cũng cao nên chi cho các hoạt động khác sẽ phải thu vén lại”, ông Dũng phân tích. Từ khi chuyển ngân sách về cho Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa phân bổ cho các trường, ông Dũng cho biết, với trường vùng khó, phòng sẽ điều tiết “nhỉnh” hơn một chút để có thể đảm bảo hoạt động chuyên môn, đầu tư sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất.

Tương tự, tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), kinh phí dành cho giáo dục được cấp thẳng về phòng GD&ĐT, sau đó phòng sẽ cấp xuống cho các trường. Việc chủ động được phân bổ kinh phí cho từng trường tạo thuận lợi cho phòng, trường, tránh được cảnh cào bằng cũng như tập trung đầu tư cho trường gần đạt chuẩn hay quá khó khăn.

Ông Bùi Thế Giới - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây nhận xét: “Đối với các huyện đồng bằng, thành phố, do kinh phí chi lương, phụ cấp quá cao nên khoản 20% chi khác sẽ khó khăn. Tuy nhiên, với các huyện miền núi, do phần lớn là giáo viên trẻ, hệ số lương chưa cao nên quỹ lương thấp, vì vậy, kinh phí cấp cho ngành Giáo dục gần như đảm bảo theo quy định”.

Hàng năm, phòng GD&ĐT và sở GD&ĐT sẽ lập dự toán ngân sách từ tổng hợp của các trường trực thuộc để trình phòng, sở Tài chính. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính sẽ trình để tham mưu cho UBND trình HĐND cấp ngân sách cho giáo dục. Điều này rất thuận lợi cho phòng GD&ĐT và các trường. Ngành GD-ĐT sẽ chủ động hơn trong các hoạt động chuyên môn, tu bổ cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động ngoài giờ… Ngân sách cấp cho giáo dục cơ bản được tính trên số dân, học sinh và giáo viên nên với những trường vùng khó, ít học sinh nhưng số giáo viên vẫn không thể giảm theo phương châm có học sinh là phải có giáo viên nên cần sự điều tiết từ phòng GD&ĐT. Và quan trọng hơn là ngành Giáo dục biết được ngân sách có được cấp đủ không. - Ông Nguyễn Ngọc Thái (Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ