Phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục: 'Quyền ít' không thể đòi hỏi 'lực nhiều'

GD&TĐ - Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là mục tiêu cả nước hướng tới, là kỳ vọng của người dân để tạo ra thế hệ trẻ đáp ứng tiêu chí của công dân toàn cầu. Thực hiện nhiệm vụ trên đòi hỏi sớm có giải pháp tháo gỡ những bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục. Bởi “quyền ít”, ngành Giáo dục dựa vào “lực” nào để làm?

Cô trò Trường Tiểu học Nậm Căn I (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Cô trò Trường Tiểu học Nậm Căn I (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Vẫn còn vướng mắc

Từng là Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà và đại biểu Quốc hội khoá XIII-XIV nên ông Lê Tuấn Tứ hiểu được những khó khăn của ngành Giáo dục và những bất cập trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này.

Ông Tứ viện dẫn, địa phương thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhưng ngành Giáo dục không được tự quyết, chỉ có thể báo cáo lãnh đạo tỉnh để xin chỉ tiêu tuyển dụng. Hay vấn đề tài chính, ngân sách dành cho giáo dục thì ít nhưng nhu cầu thì nhiều, thậm chí có những việc được coi là bức thiết như việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng ngành Giáo dục không được cấp đủ kinh phí nên không thể chủ động mua sắm thiết bị phục vụ dạy - học và làm gì cũng khó.

Cũng theo ông Tứ, vẫn còn những bất cập khi triển khai thực hiện các quy định về chế độ, chính sách nhà giáo vào thực tiễn. Chẳng hạn như việc thực hiện trợ cấp lần đầu được quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ. Theo quy định, những giáo viên có hộ khẩu tại địa bàn đặc biệt khó khăn – nơi đang dạy học thì không được hưởng chế độ trợ cấp lần đầu, nhưng giáo viên từ nơi khác đến dạy lại được hưởng. Ngoài ra, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non và người nuôi dưỡng trẻ còn thấp, chưa tương xứng với thời gian làm việc của họ…

Tại cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục do Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho hay: Các quy định hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn: Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề với nhà giáo chưa đồng bộ, thống nhất giữa Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Do đó, xảy ra tình trạng, khi nghỉ thai sản, giáo viên công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, trong khi đó các vùng còn lại vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 244/QĐ-TTg.

Mặt khác, các văn bản của Bộ, ngành liên quan trong việc xác định tiêu chí xã miền núi còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng “rối” căn cứ pháp lý để tính hưởng mức phụ cấp ưu đãi của cơ sở giáo dục ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng miền núi gặp khó khăn, thiếu thống nhất trong thực hiện. Đơn cử như việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên công tác vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ thai sản - có địa phương chi trả nhưng có nơi lại không.

Một tiết học âm nhạc của cô – trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Một tiết học âm nhạc của cô – trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Nhận diện nguyên nhân

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận: Có thực tế là, ngành Giáo dục quyền thì ít nhưng lại bị đòi hỏi rất nhiều. Hiện Bộ GD&ĐT không có thực quyền cả về nhân sự và tài chính. Các văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu đầu mối để xử lý về vấn đề này. “Liên quan đến nhân sự thì “đụng” đến Bộ Nội vụ, còn tài chính phụ thuộc Bộ Tài chính… Đó là chưa kể đến hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác… khiến ngành Giáo dục bị động. Vô hình trung tạo thành rào cản của giáo dục”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.

Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT viện dẫn, khi tài chính được phân bổ về, Bộ GD&ĐT sẽ được quyền chủ động về nguồn ngân sách này. Tuy nhiên, thực tế, Bộ GD&ĐT chỉ có thể chủ động 5% ngân sách. Số còn lại được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương...

Ở khâu nhân sự còn nặng nề hơn. Bộ Nội vụ phân bổ tổng số biên chế nhưng vẫn có quyền quyết định tuyển dụng, sử dụng và điều động nhân sự. Còn Bộ GD&ĐT chỉ có quyền về chuyên môn nên rất khó đòi hỏi tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu.

“Tất cả vấn đề này được đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa giải quyết thấu đáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên ở nhiều địa phương; thậm chí thiếu giáo viên bộ môn này nhưng chỉ tiêu lại dành cho bộ môn khác”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu thực trạng.

Cho rằng, quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều tầng lớp, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV – cho hay: Ngành Giáo dục chỉ có quyền chủ động trong chuyên môn. Tài chính, tuyển dụng, bổ nhiệm thì bị động hoàn toàn.

Bà Mai viện dẫn, quy định lớp mầm non không quá 25 trẻ/lớp; tiểu học là 35 học sinh/lớp; THCS, THPT: 45 học sinh/lớp. Thực tế điều kiện giữa các vùng miền khác nhau nên không thể áp dụng một công thức chung để giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho tất cả địa phương. Mặt khác, lương giáo viên hiện rất thấp; thậm chí thấp hơn nhiều so với thu nhập của công nhân. Đó là nghịch lý.

Học sinh Trường THPT số 1 (Lào Cai).

Học sinh Trường THPT số 1 (Lào Cai).

Tuân thủ nguyên tắc “tiền - quyền - người”

Bà Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh, để giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Đảng, Nhà nước cần đặt vị trí nhà giáo đúng chỗ và đúng tầm, từ khâu đào tạo bồi dưỡng đến giáo dục, đào tạo. Cần xem xét một cách đầy đủ, khách quan, khoa học để điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật theo hướng giao tự chủ cho ngành Giáo dục về nhân sự, tài chính và chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hoá có sự điều tiết và kiểm soát hiệu quả của Nhà nước. “Đã đến lúc cần đặt nhà giáo vào đúng vị trí mà xã hội cần để phát triển nền giáo dục Việt Nam vừa nhân bản, khoa học, vừa hiện đại, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và đất nước”, bà Mai nêu quan điểm.

Giải pháp tiếp theo được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhấn mạnh là cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Nếu luật này được Quốc hội ban hành sẽ thống nhất các tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn mực đối với nhà giáo. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo ngày càng đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là khả năng thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn. “Nếu có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến đội ngũ như chế độ chính sách, vấn đề biên chế và cả những bất cập trong quản lý Nhà nước về nhân sự của ngành”, bà Mai trao đổi.

Đồng quan điểm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, khi xây dựng Luật Nhà giáo cần dành một chương về quản lý Nhà nước đối với giáo dục. Luật giao cho Bộ GD&ĐT quản lý về đội ngũ giáo viên, khi đó sẽ có quyền tuyển dụng và sử dụng một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Mong rằng, nội dung luật sớm được hoàn thiện để trong kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội khoá XV, các đại biểu sẽ có ý kiến và thảo luận về nội dung này”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến bày tỏ.

Thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, ông Lê Tuấn Tứ mong muốn, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm kịp thời tháo gỡ những bất cập, đảm bảo công bằng và phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như: Xem xét bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên... Quy định cụ thể các vùng, đơn vị hành chính thuộc miền núi, đồng bằng, trung du… để các địa phương xác định mức phụ cấp ưu đãi phù hợp... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện thống nhất, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Cần nghiên cứu và tăng cường năng lực quản lý giáo dục cho cấp huyện, chia sẻ điều này, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đề xuất: Nghiên cứu sâu, đánh giá nghiêm túc về phân cấp quản lý giáo dục trong thời gian qua. Nguyên tắc “tiền - quyền - người” phải đi liền với nhau. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ giáo dục các cấp; đồng thời xuất bản phẩm dành cho cán bộ quản lý, coi đó như cẩm nang để họ tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành trong lĩnh vực giáo dục.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Xác định đúng những vấn đề cốt lõi, bản chất, có vai trò quyết định và tác động lan tỏa tới tất cả các khâu trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ