Phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục: Hiểu đúng và đủ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, xác định nhiệm vụ, phân quyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để hiểu đúng và đủ về sự thống nhất này không chỉ riêng ngành Giáo dục, mà cần có sự vào cuộc của các ngành, cấp và xã hội.

Cán bộ, giáo viên Tiền Giang tham gia tập huấn SGK Chương trình GDPT mới.
Cán bộ, giáo viên Tiền Giang tham gia tập huấn SGK Chương trình GDPT mới.

Cần phải được quan tâm

Nghị định 127/2018/NĐCP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, xác định nhiệm vụ, phân quyền của các tổ chức ở Trung ương và địa phương đối với giáo dục.

Nhà giáo Nguyễn Quí Đôn.

Nhà giáo Nguyễn Quí Đôn.

Chia sẻ về việc phân cấp, phân quyền trong giáo dục, nhà giáo Nguyễn Quí Đôn, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước là chủ trương hoàn toàn hợp lý. Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước tiên tiến trên thế giới cũng thực hiện phân cấp, phân quyền rất rõ ràng với hành lang pháp lý chặt chẽ.

“Phân cấp, phân quyền trong giáo dục trước hết phải được triển khai đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương. Trước hết muốn phân cấp, phân quyền thì nhân sự phải chuẩn, hệ thống pháp lý đảm bảo chặt chẽ, nghiêm minh. Tự chủ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể để nguồn máy hoạt động thật sự trơn tru. Việc này không chỉ riêng ngành Giáo dục, mà còn có sự tham gia của nhà trường và xã hội. Trong đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, kết nối nhà trường với xã hội”, ông Đôn nhìn nhận.

Nghị định 127 quy trách nhiệm rất rõ của ngành Giáo dục, Nội vụ, Tài chính và UBND các tỉnh. Nhưng có vụ việc rõ ràng thuộc trách nhiệm của ngành khác hay chính quyền địa phương nhưng dư luận và ngay cả đại biểu Quốc hội vẫn “gọi tên” ngành Giáo dục. Với cấp phòng, mặc dù chỉ được giao làm công tác chuyên môn nhưng khi xảy ra “sự cố” như dạy thêm trái phép, bạo hành, chất lượng giáo viên kém… thì ngành GD-ĐT là nơi “đứng mũi chịu sào”, cho dù đội ngũ do ngành Nội vụ tuyển, điều phối và UBND huyện quản lý.

Nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, chứng kiến không ít lần người đứng đầu ngành Giáo dục phải giải trình việc không phải của mình, nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), cho biết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để xã hội, cán bộ, đại biểu Quốc hội hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Không phải mọi thứ đều quy về một mình ngành Giáo dục trong khi đó việc phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương đã có quy định.

Không chỉ quy về một mối

Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, ở một số địa phương, việc phân cấp quản lý giáo dục hiện vẫn tồn tại “bức tường vô hình” khiến cho công tác quản lý bị “cắt khúc”, thiếu hiệu quả. Đơn cử như sở GD&ĐT, ngoài các trường THPT, thì không thể “với tay” đến các trường mầm non, tiểu học, THCS do các địa phương quản lý. Quy hoạch, phát triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên ngoài tầm tay của ngành Giáo dục rõ ràng là một bất cập. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu trường lớp; thừa thiếu giáo viên cục bộ; trường học xuống cấp, người dân chất vấn sở GD&ĐT trong khi địa phương trực tiếp quản lý, đầu tư!

“Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đã bảo đảm sự thống nhất, xác định nhiệm vụ, phân quyền từ Trung ương đến địa phương nhưng hiện nay nhiều nơi, nhiều người vẫn chưa nắm rõ. Điều này dẫn đến tình trạng tất cả đều quy về cho ngành Giáo dục mà không tìm hiểu, chất vấn các đầu mối quản lý liên quan. Ví dụ như nhân sự ngành Giáo dục liên quan trực tiếp đến ngành Nội vụ; việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, kinh phí… liên quan đến ngành Tài chính; thẩm quyền quản lý Nhà nước là UBND tỉnh, thành và quận, huyện. Sự thấu hiểu của xã hội, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là các đơn vị quản lý rất cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay”, nhà giáo Lê Xuân Bột nhấn mạnh.

Giáo dục là ngành đặc thù, vì liên quan đến từng cá nhân, gia đình và luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Do đó, theo nhà giáo Nguyễn Quí Đôn, khi sự việc xảy ra, người ta trước tiên nghĩ đến ngành Giáo dục. Do đó, công tác tuyên truyền cần kỹ càng và tăng cường hơn nữa. “Trồng người” là quá trình lâu dài, cần có sự tác động định hướng, hợp lực đồng bộ từ nhiều phía, trong đó cốt lõi là 3 nhân tố: Gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu mất đi một vai trò sẽ như chiếc kiềng hai chân, khó có thể đứng vững được.

Về bản chất, vấn đề phân cấp đúng và phù hợp sẽ tạo động lực cho dạy và học hiệu quả. Bởi nhà trường sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn, được tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là phải đổi mới cơ chế quản lý, giám sát chất lượng công tác giáo dục sao cho chất lượng dạy - học và các dịch vụ giáo dục khác được nâng lên. Tiếp đó, phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và trường phổ thông.

Phân quyền trong giáo dục phải được triển khai đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương. Tinh thần là phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Có những thứ “tưởng thế nhưng không phải thế”, “quyền rơm, vạ đá” là có thật với ngành Giáo dục. Chẳng hạn, việc xóa bỏ phòng học tranh tre, nứa lá thuộc thẩm quyền của các địa phương. Hay như, việc tuyển dụng giáo viên, nhiều người vẫn nghĩ thuộc thẩm quyền của ngành Giáo dục. Để tránh những bất cập về thừa thiếu cục bộ giáo viên hoặc tuyển dụng không đúng với nhu cầu thực tiễn nên giao quyền chủ động về nhân sự cho ngành Giáo dục. - Bà Châu Quỳnh Giao (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ