Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

GD&TĐ - Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Hai bệnh này có các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ dàng gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, nhức mỏi người.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BVCC.
PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BVCC.

Những dấu hiệu khác biệt ban đầu

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra. Hai bệnh này có các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ dàng gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, sốt xuất huyết và Covid-19 có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền và bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn. Trong khi đó, sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ. Người mắc bệnh nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người bệnh, còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… Bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Trước đó, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận một ca sốt xuất huyết từng bị nhầm mắc Covid-19. Ngày 16/8, bệnh nhân (27 tuổi) sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 - 7/8. Do đó, ban đầu, bác sĩ nghi bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, xét nghiệm Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc sốt xuất huyết, điều trị theo phác đồ: Truyền dịch, hạ sốt. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân ổn định.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, đây là sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chuyên gia cho biết, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng, như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng, các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cũng được khuyến cáo khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc.

Không tự điều trị sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố đã ghi nhận 1.574 ca sốt xuất huyết, giảm 1.612 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số ca bệnh tăng mạnh trong hai tuần cuối tháng 8. Một số quận, huyện ghi nhận hơn 100 ca, như Phúc Thọ với 334 bệnh nhân, Nam Từ Liêm có 149 trường hợp.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay. Các ca xuất hiện nhiều vào đầu mùa hè, ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín và lan dần vào khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai... Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh có thể thành dịch rất dễ gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Bệnh nhân nhẹ thường có dấu hiệu như sốt cao liên tục 39 - 40 độ C trong khoảng 2 - 3 ngày hoặc kéo dài hơn. Bệnh nhân cũng có hiện tượng đau đầu dữ dội vùng trán, sau đầu; Trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ.

Trong khi đó, người bị sốt xuất huyết nặng có các triệu chứng trên và kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu như: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, phân đen do bị xuất huyết nội tạng.

Bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Vì vậy, những người bị sốt xuất huyết cần phải đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Ở giai đoan 1 của bệnh, mọi người thường chủ quan và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần làm các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm, tư vấn và điều trị.

Trong giai đoạn 2, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và làm xét nghiệm tiểu cầu. Giai đoạn 3 là thời điểm hồi phục. Các triệu chứng về xuất huyết mất dần, thể trạng khỏe mạnh lên, tiểu cầu tăng và tiêu hóa ổn định trở lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy, tới nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng sốt xuất huyết. Biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh, như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, loăng quăng và bọ gậy. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà…không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Sốt xuất huyết có 4 típ gây bệnh ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ, nên người bệnh có thể mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc 3 bởi những típ khác nhau.

Bác sĩ Thủy nhấn mạnh, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ