Phản ánh khá trung thực quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh

Phản ánh khá trung thực quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh

(GD&TĐ) - Cho đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Phóng viên báo Giáo dục&Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương về đánh giá sơ bộ kết quả kì thi sau chấm thi.

Thưa Thứ trưởng, ông có nhận định như thế nào về kết quả sơ bộ chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay của các tỉnh, thành phố trên cả nước?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
 

- Theo kết quả sơ bộ được 64 tỉnh, thành phố công bố thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là 97,52%; GDTX là 78,08%. Nhìn chung, năm nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT có giảm so với năm 2012. Tỉ lệ đỗ của hệ THPT giảm 1,45%, hệ GDTX giảm 7,39%.

Phải khẳng định rằng điểm bài thi của học sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như: Chất lượng học tập của học sinh như thế nào; các em đã ôn tập kĩ lưỡng trước khi thi chưa, đã rèn luyện được những kỹ năng để làm bài thi tốt chưa; kết quả thi còn phụ thuộc vào câu hỏi, tính chất của đề bài có trùng vào những vấn đề học sinh quan tâm (còn gọi là “trúng tủ”) hay không, hay là có phù hợp với năng lực trình độ của học sinh không; rồi mức độ khó dễ của đề bài thi… và phụ thuộc vào cả khâu coi thi. Công tác coi thi không chặt chẽ, kỉ luật phòng thi lỏng lẻo thì học sinh sẽ có cơ hội để trao đổi bài với nhau, kết quả điểm bài thi sẽ cao hơn.

Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp mà nói công tác coi thi năm nay là nghiêm hơn hay không nghiêm hơn mọi năm thì chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, qua công tác chỉ đạo có thể nói rằng công tác coi thi, chấm thi năm nay có nhiều tiến bộ. Kết quả này phản ánh khá trung thực quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh.

Bộ GD&ĐT đã có sự phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về công tác tổ chức kì thi, vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nỗ lực của các địa phương góp phần vào thành công chung của kì thi?

- Trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhìn chung các địa phương rất chủ động trong công tác tổ chức thi. Bộ GD&ĐT chỉ ban hành quy chế thi, ra đề thi và thanh tra kiểm tra, chỉ đạo giải quyết những vụ việc đột xuất trong quá trình thi. Đồng thời Bộ cũng chủ động đề nghị các ban, ngành phối hợp từ Trung ương đến địa phương nhằm hỗ trợ ngành Giáo dục tổ chức tốt kỳ thi.

Các địa phương đã rất chủ động trong việc chỉ đạo dạy và học, ôn tập, bố trí những điều kiện cho nơi coi thi, chấm thi, nơi sao in đề, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra; chủ động phối hợp với các ngành ở địa phương như y tế, công an, giao thông, bưu chính viễn thông, thông tin truyền thông… để phục vụ tốt cho kỳ thi. Nhiều địa phương đã có những chính sách và làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho học sinh khó khăn, học sinh xa nhà, học sinh là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn có được điều kiện thuận lợi nhất để đi thi.

Tôi đánh giá về cơ bản cho đến thời điểm này, kì thi đã diễn ra an toàn nghiêm túc, đúng quy chế chính là nhờ vào sự cố gắng rất lớn của các địa phương. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có những áp lực rất lớn tại các địa phương khi còn nhìn vào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp để đánh giá chất lượng dạy học; hoặc mong muốn tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của địa phương mình phải cao mà không quan tâm đến điều kiện và quá trình dạy học. Tôi cho rằng phải tránh được sự nhìn nhận như thế trong những kì thi tiếp theo.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chưa lấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp làm tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn coi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là một cái gì đấy đáng để khen thưởng, tuyên dương đã gây nhiều áp lực cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Do vậy, muốn các kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày càng nhẹ nhàng, nghiêm túc hơn thì phải thay đổi sự nhìn nhận trên đây. Sự thay đổi này phải đồng bộ từ các ngành, các cấp chứ không riêng trong ngành Giáo dục.

c
Thí sinh nghiêm túc làm bài thi

Theo quy chế thi năm nay, mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, tổ này sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận. Như vậy có đảm bảo tính công bằng, khách quan trong kết quả chung không, thưa Thứ trưởng?

- Điểm này trong quy chế thi là nhằm tạo điều kiện cho Chủ tịch Hội đồng Chấm thi, ban chỉ đạo thi có thể sớm phát hiện được những vấn đề nảy sinh trong quá trình chấm thi. Ví dụ như phát hiện được việc chấm thi không nghiêm túc, hoặc áp dụng hướng dẫn chấm thi chưa đúng để có sự điều chỉnh kịp thời chứ không phải đợi đến lúc triển khai công tác thanh tra chấm thi thì mới phát hiện. Khi đó mới có sự điều chỉnh thì sẽ không kịp thời và làm ảnh hưởng đến tiến độ chấm thi.

Cũng có ý kiến cho rằng Chủ tịch hội đồng có thể lợi dụng điểm này trong quy chế để điều chỉnh điểm thi của những bài được chấm kiểm tra. Tôi cho rằng điều này không thể xảy ra. Vì trong hướng dẫn chấm thi của Bộ, mỗi hội đồng thi có một bộ phận làm phách riêng và quản lý toàn bộ phách bài thi; ngoài bộ phận này ra không ai, kể cả Chủ tịch hội đồng biết mã phách bài thi. Về mặt quy trình, cách thức chấm thi như thế đã cơ bản đảm bảo được tính độc lập giữa những người chấm thi, người làm phách và lãnh đạo hội đồng chấm thi. Chỉ có điều trong chấm thi phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và trách nhiệm của chủ tịch hội đồng; chủ tịch hội đồng chấm thi có năng lực và trách nhiệm cao thì sẽ xử lý vấn đề nảy sinh một cách kịp thời, ngược lại thì sẽ xử lý không tốt những vấn đề nảy sinh hoặc không phát hiện sự việc để xử lý. Theo thông tin ban đầu Bộ nhận được thì năm nay, tác dụng của việc chấm kiểm tra 5% bài thi đã đảm bảo được tính nhạy bén, kịp thời hơn so với những năm trước trong việc xử lý những vấn đề nảy sinh của quá trình chấm thi.

v
Thí sinh thảo luận đáp án môn thi

Được biết, sau khi các địa phương chấm và công bố kết quả, Bộ GD&ĐT sẽ chấm thẩm định ở một số địa phương; vậy sự lựa chọn này của Bộ dựa trên căn cứ được đưa ra trước hay sẽ lựa chọn ngẫu nhiên các địa phương chấm thẩm định? Kết quả chấm thẩm định có được công bố công khai hay không?

- Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét, rà soát kết quả chấm thi, nếu thấy có biểu hiện của việc chưa nghiêm túc, Bộ sẽ yêu cầu mang bài thi đến để chấm thẩm định. Qua kinh nghiệm của những năm trước cho thấy, việc chấm thẩm định đã phát hiện được những sai sót, không chỉ trong quá trình chấm thi mà còn phát hiện được cả sai sót trong quá trình coi thi, chỉ đạo thi. Năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến tất cả các tỉnh, thành phố và có công văn gửi riêng các tỉnh có vấn đề trong kì thi.

Năm nay, phạm vi chấm thẩm định rộng đến đâu còn phụ thuộc vào kết quả xem xét dữ liệu, dải điểm cụ thể. Đồng thời Bộ cũng công khai kết quả chấm thẩm định.

Năm nay dư luận đánh giá cao công tác ra đề, nhất là ở các môn Ngữ văn, đồng thời cũng rất quan tâm đến công tác chấm thi đối với đề mở cũng như công tác chấm phúc khảo; Thứ trưởng có lưu ý gì không đối với công tác chấm phúc khảo năm nay?

- Công tác chấm phúc khảo cũng được tiến hành tương tự như chấm thi bình thường. Tôi chỉ lưu ý đó là phải lựa chọn những cán bộ chấm thi phúc khảo có năng lực hơn, trách nhiệm hơn để có kết quả chấm chính xác hơn. Theo kết quả bước đầu, không có đơn vị nào thắc mắc về hướng dẫn chấm cho thấy đã có sự vận dụng tốt hướng dẫn chấm thi của Bộ. Nếu giữa hai lần chấm có sự sai lệnh nhất định thì phải có đối thoại giữa người chấm lần đầu và người chấm phúc khảo để đưa ra kết quả cuối cùng.

Cũng trong kì thi này, Bộ GD&ĐT chủ trương ủng hộ sự giám sát của toàn xã hội, báo chí và cả thí sinh trong công tác coi thi, đây là chủ trương rất mới, vậy trên thực tế việc này đã được phát huy như thế nào?

- Tôi phải khẳng định rằng: kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn và sự giám sát sát sao của toàn xã hội. Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình không hỗ trợ màn hình, chức năng thu, phát sóng… Cũng đã có trường hợp người bên ngoài hội đồng coi thi ghi được hình ảnh, video clip cán bộ coi thi vi phạm quy chế và đã cung cấp cho Bộ GD&ĐT. Bộ đã chỉ đạo xử lý kịp thời và nghiêm túc. Điều này chứng tỏ chủ trương trên đây của Bộ đã được xã hội đồng tình. Và những cá nhân trực tiếp thực hiện vai trò giám sát đã cung cấp địa chỉ, clip hình ảnh ngay cho các cơ quan quản lý giáo dục, không gây những thông tin bất lợi cho thí sinh và cán bộ làm thi và công tác quản lý chỉ đạo coi thi; đảm bảo được tính nghiêm túc của kì thi. Sau khi xác minh đã xử lý nghiêm túc cán bộ vi phạm, đã công khai kết quả xử lý trên các phương tiện truyền thông để rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành chứng tỏ đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ. Mà không riêng gì GD&ĐT, dân chủ, công khai trong công tác quản lý, điều hành là yêu cầu chung của mọi cấp, mọi ngành.

Có dư luận cho rằng ở một số địa phương có tình trạng Sở GD&ĐT công bố điểm thi chậm trong khi đó dịch vụ đầu số điện thoại nhắn tin thu phí lại có trước kết quả. Trong khi đó, học sinh, phụ huynh sốt ruột muốn biết điểm thi thì phải nhắn tin. Thứ trưởng đánh giá việc này như thế nào?

- Tôi cũng nhận được thông tin về việc bưu điện của 1 tỉnh cung cấp dịch vụ tin nhắn tra cứu điểm thi; đồng thời nguồn tin cho rằng: Trong quá trình gửi dữ liệu kết quả chấm thi cho Bộ GD&ĐT, bưu điện hoặc một cá nhân nào đó đã sử dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ nhắn tin kết quả thi cho học sinh. Tôi cho rằng: Đây là một hình thức kinh doanh không lành mạnh. Cũng phải nói thêm rằng Bộ không yêu cầu các Sở GD&ĐT gửi dữ liệu của từng học sinh cho Bộ trước khi công bố kết quả thi, dữ liệu này sẽ được gửi về Bộ sau kì thi. Trước mắt, Bộ chỉ yêu cầu báo cáo tình hình chấm thi để tiện cho công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, có một số địa phương lại gửi cả dữ liệu là toàn bộ kết quả điểm bài thi của từng học sinh trước thời điểm công bố kết quả thi. Việc này là không cần thiết. Tôi cũng muốn nói thêm với học sinh và phụ huynh là kết quả thi sẽ được gửi ngay về các trường, hãy đợi để biết chính thức thông tin về điểm thi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Bá Hải (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.