Phải sinh con nối dõi khi đã hết kỳ "đèn đỏ"

Mãn kinh từ lâu, nhưng vì áp lực muốn có con trai của gia đình chồng, người phụ nữ này buộc phải mang thai dù đối mặt với nhiều rủi ro.

Phải sinh con nối dõi khi đã hết kỳ "đèn đỏ"

Uống thuốc có kinh trở lại để mang thai

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, người từng nhiều năm hợp tác với bệnh viện BNH Thái Lan - nơi giúp rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sinh con, chia sẻ nhiều phụ nữ tìm đến với bà khi đã ở tuổi ngoài 50, thậm chí có người đã hết kinh nhưng với một niềm khao khát có con rất mãnh liệt.

Đáng nhớ nhất là câu chuyện của chị Th. (Hải Dương) tìm đến bà khi đã 55 tuổi và không còn kinh nguyệt. Chị Th. lấy chồng và hạ sinh hai cô con gái đáng yêu. Đó sẽ là một câu chuyện đẹp nếu như chồng chị không là con trai trưởng và buộc phải sinh cháu trai đích tôn cho cả dòng họ.

Thời gian đầu, khi sinh bé gái thứ nhất, gia đình chồng đã có lời ra tiếng vào không mấy êm tai, khiến chị Th. rất buồn và đau lòng. Đến khi sinh bé gái thứ hai, chị gần như suy sụp hoàn toàn khi cả nhà cố lờ đi đứa trẻ. Chồng chị cũng vì thế mà thờ ơ với vợ, đôi khi trong cơn ức chế đã có những câu nói làm chị tổn thương.

Bà Hương cho biết mãi tới khi về hưu, dù tuổi đã cao, nhưng do sức ép từ gia đình quá lớn nên chị Th. đành phải liều mình sinh con. Trước khi tiến hành IVF (thụ tinh ống nghiệm), các bác sĩ chẩn đoán xác suất thành công của chị Th. chỉ hơn 10%. Gần một tháng suy nghĩ, chị quyết định sẽ thực hiện với hi vọng “còn nước còn tát”. Chị được uống thuốc trong 4 tháng để có kinh trở lại.

Lần chuyển phôi đầu tiên được tiến hành sau đó nhưng kết quả thất bại vì niêm mạc mỏng khiến chị hoang mang và đã khóc hết nước mắt. Bác sĩ khuyên chị về uống thuốc 3 tháng sau đó quay lại chuyển phôi tiếp. Thời gian này, chị dường như rơi vào trạng thái căng thẳng bởi áp lực từ gia đình chồng, tuổi tác, tỷ lệ thành công thấp, sinh con trai...

May mắn trong lần chuyển phôi thứ 2, người phụ nữ 55 tuổi này đã có bầu. 9 tháng sau, chị đã sinh được một bé trai kháu khỉnh, thỏa ước nguyện của gia đình chồng.

Cẩn thận gây dị tật thai nhi

Bà Hương cho biết trường hợp của chị Th. do áp lực phải sinh con trai cho gia đình chồng và những câu chuyện này không ít trong cuộc sống. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp khác cũng mòn mỏi mong con, bất kể là trai hay gái. Chạy chữa mãi, họ cũng có con nhưng ở độ tuổi đáng lý phải lên chức bà.

Trong đó, một cặp vợ chồng ở Hà Nội lấy nhau 15 năm nhưng vẫn không thể có con dù sức khỏe sinh sản của cả hai đều bình thường. Khi ở độ tuổi 45, người vợ đã trải qua 6 lần IVF nhưng đều thất bại. May mắn, lần cuối cùng tại bệnh viện BNH, các bác sĩ đã nghe thấy tim thai.

Theo bà Hương, ngày nay, một phụ nữ sinh em bé ở cuối tuổi 30 hay trên 40 không còn là điều hiếm gặp và hầu hết đều diễn ra suôn sẻ. Nhưng trên thực tế các chuyên gia y khoa về bà mẹ đã xếp những trường hợp này vào dạng rủi ro cao bởi những người mẹ lớn tuổi nhiều khả năng phải đối mặt với các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ cũng như em bé.

Ngoài ra, tuổi càng cao, khả năng thụ thai sẽ càng giảm. Kể cả làm thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ thành công ở phụ nữ lớn tuổi sẽ không bằng thời điểm trước.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ tốt hơn cho những hoàn cảnh đặc biệt này. Nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học, bên cạnh biện pháp IVF, phương pháp PGD (phương pháp chẩn đoán nguồn gốc gen trước khi chuyển phôi giúp cho những cặp vợ chồng sinh con theo ý muốn) sẽ đảm bảo cho đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý di truyền từ ba mẹ.

Bà khuyên chị em nên suy nghĩ kỹ và lường trước những nguy cơ cũng như tỷ lệ thành công trước khi quyết định sinh con ở tuổi ngoài 40 với bất kể phương pháp sinh sản nào.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ