(GD&TĐ) - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý – Phó ban chỉ đạo phong trào đã kết luận như vậy, để tác dụng của phong trào này sẽ tăng thêm sức lan tỏa và khẳng định giá trị bền vững, lâu dài.
TS Trần Đình Châu – Vụ trưởng, Giám đốc Dự án phát triển giáo dục THCS2 đã thay mặt Ban chỉ đạo báo cáo về kết quả kiểm tra phong trào thi đua tại 11 tỉnh thành thuộc 6 vùng thi đua vào dịp tháng 3 vừa qua (5 thành phố lớn đã kiểm tra trước).
Ngoài những thành tựu nổi bật thể hiện trong mỗi đơn vị trường học, phong trào còn minh chứng cho sức mạnh tổng hợp từ sự phối hợp liên ngành ở mỗi địa phương. Tất cả các thành viên Ban chỉ đạo tham gia đợt kiểm tra này đều thấy rõ những thành tựu trên cả hai mặt đó và cho rằng, phong trào đã có tác động rất tích cực đến nhà trường và cả cộng đồng.
Tuy nhiên, để phong trào có thể thực hiện các nội dung sâu sắc hơn, theo ông Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam thì ngoài nỗ lực của Ban chỉ đạo thì vai trò của các giáo viên trực tiếp ở cơ sở là rất quan trọng, cần hướng dẫn, chỉ đạo, động viên họ lồng ghép các nội dung thi đua vào hoạt động chuyên môn của mình. Phòng truyền thống trong mỗi nhà trường cũng cần phải được quan tâm tổ chức hoạt động như một thiết chế giáo dục, để thêm một sức mạnh nữa cho việc thực hiện các nội dung của phong trào.
Họp Ban chỉ đạo phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC |
Ban chỉ đạo cũng đã thảo luận những nội dung chuẩn bị cho hội nghị sơ kết 3 năm phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC sắp tới đây, với trọng tâm là sơ kết một giai đoạn, rút kinh nghiệm để triển khai tiếp phong trào trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quang Quý chỉ đạo: Trong 3 năm qua, phong trào thực hiện tốt có phần hỗ trợ tích cực từ Dự án GDTHCS2. Sang năm tới, khi Dự án kết thúc, sự hỗ trợ này không còn nữa thì phải làm sao để phong trào có tính bền vững, hoạt động đi vào nền nếp, phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở để các nội dung của phong trào đi vào cuộc sống, để đến năm 2013 khi phong trào kết thúc không có nghĩa là chấm dứt tất cả mọi hoạt động. Để làm được điều này, cần chú ý một số điều sau:
-Tăng cường sự chủ động, sáng tạo của địa phương, lồng ghép các nội dung phong trào với các hoạt động khác, phong trào khác trong cộng đồng.
-Chú trọng đẩy mạnh nội dung “tích cực”, đặc biệt là với đối tượng học sinh.
-Đẩy mạnh giáo dục an ninh chính trị trường học, giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh.
-Phối hợp chặt chẽ với tất cả các hoạt động văn hóa, giáo dục khác để triển khai phong trào.
-Xây dựng môi trường thân thiện, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà trong cả 3 môi trường giáo dục, trong đó giáo dục nhà trường làm nòng cốt (ngành giáo dục phải giữ vai trò chủ đạo, chủ động trong cơ chế phối hợp).
N.T.Trâm