Phải có cơ chế rõ ràng để trường ĐH thực hiện trách nhiệm giải trình

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Những quan điểm này được GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ khi đóng góp ý kiến tại diễn đàn về tự chủ đại học do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hệ thống đảm bảo chất lượng

Theo GS Lâm Quang Thiệp, một thể chế hết sức quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH là hệ thống đảm bảo chất lượng cho giáo dục ĐH.

Trong từng trường ĐH, hệ thống này đảm bảo cho mọi khâu của hệ thống đào tạo và các hoạt động khác của nhà trường được thực hiện một cách đúng đắn như đã cam kết hoặc đã được quy định.

Gắn liền với hệ thống này, quy trình kiểm định công nhận xuyên suốt từ hoạt động tự đánh giá, khảo sát tại chỗ của đồng nghiệp và quyết định công nhận chất lượng của các cơ quan kiểm định độc lập sẽ hỗ trợ cho nhà trường giải trình các hoạt động của mình cho các nhóm người có lợi ích liên quan và cho xã hội.

GS Lâm Quang Thiệp cho biết: Sau khi chính thức đưa hoạt động đảm bảo chất lượng vào hệ thống giáo dục ĐH từ năm 2003, trong mấy năm qua Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số cải tiến đối với hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng.

Các cải tiến đáng ghi nhận là việc cấp phép thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập và việc đưa vào một quy trình rõ ràng và một hệ thống tiêu chuẩn toàn diện (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) để kiểm định công nhận chất lượng theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT.

Triển khai thực hiện nghiêm túc hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định công nhận chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH.

Thực hiện “ba công khai”

Trực tiếp liên quan với trách nhiệm giải trình và hệ thống đảm bảo chất lượng, trong nhiều năm qua Bộ GD&ĐT phát động và triển khai thực hiện “ba công khai” đối với các trường ĐH.

Nội dung của ba công khai là: công khai cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính. Gần đây Bộ GD&ĐT đã ra thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT quy định tỷ mỉ về quy trình ba công khai, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ quy trình này.

GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: Cặp khái niệm “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình” phản ánh một cách hàm xúc nội dung cốt lõi của hệ thống quản trị và quản lý giáo dục ĐH trong nền kinh tế thị trường.

Để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, cần thành lập HĐT với ý nghĩa là cơ quan quản trị có quyền lực cao nhất nhà trường, đảm bảo triển khai hoạt động của HĐT thật sự có hiệu quả, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc.

Khi thực thi quyền tự chủ, trường ĐH đồng thời phải tuân thủ trách nhiệm giải trình đầy đủ, trong đó có việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng toàn diện, bao gồm việc nghiêm túc tuân thủ quy chế ba công khai.

"Hy vọng hệ thống giáo dục ĐH nước ta sẽ phát triển bền vững khi thực hiện hài hòa hệ thống quản trị và quản lý nói trên" - GS Lâm Quang Thiệp chia sẻ.

"Đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là nội dung để thực hành hệ thống quản trị và quản lý hệ thống giáo dục ĐH nước ta ngày nay, từ sau thời điểm “đổi mới”. Chính việc làm cho quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trở thành sợi chỉ xuyên suốt của hệ thống quản trị và quản lý giáo dục ĐH nước ta là nhiệm vụ quan trọng của việc đổi mới trong tiến trình hoàn thiện dần nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" - GS Lâm Quang Thiệp nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Minh họa/INT.

Cần được cổ vũ, khích lệ

GD&TĐ - Những tối cuối tuần qua (từ ngày 3 - 5/5), khán giả tấp nập tới Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).