Phải bỏ ngay suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0"

GD&TĐ - Những ngày qua trên mạng xã hội, các chia sẻ “ai rồi cũng F0 cả thôi” đang trở nên phổ biến. Có những người khi dương tính đã có tâm lý trước sau cũng đến lượt, đến sớm xong sớm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vắc xin, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc Covid-19.

Về mặt dịch tễ học, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch nhưng không có nghĩa là để dịch tự do lây nhiễm.

Trong mọi điều kiện, cần cố gắng hạn chế dịch lây lan để số ca F0 trong tầm kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Vì các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ngay cả sau khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với hàng hoạt triệu chứng và di chứng hậu Covid-19 như ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, xơ phổi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, rối loạn tâm lý, trầm cảm, trí nhớ giảm sút…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ chủ yếu với 96%, do vậy việc thông tin, phổ biến kiến thức để người dân tự chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân cần đặc biệt chú trọng.

Khi phát hiện dương tính, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

PGS Trần Đắc Phu:

Việt Nam đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero Covid-19", Việt Nam nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro.

Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch.

Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống.

Người dân cần giữ bình tình vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vắc xin, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị.

Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi "rồi ai cũng là F0"; thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Nguy cơ trở nặng vẫn hiện hữu, ảnh hưởng sức khỏe hậu Covid-19

Các chuyên gia cho rằng, sau khi mắc Covid-19, ảnh hưởng sức khỏe hậu Covid-19 là điều đáng lưu tâm, khi mà dịch bệnh vẫn đang rất nguy hiểm và biến hóa khôn lường, và hiện vẫn chưa tìm hiểu, nghiên cứu hết việc chúng sẽ ảnh hưởng đến con người như thế nào theo thời gian.

Việc chủ quan trong phòng chống dịch các chuyên gia khuyến cáo đó có thể khiến số ca Covid-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus.

Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị.

Còn theo Phó giáo sư Hoàng Thị Phượng - Giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội (Trường đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyên Trưởng Khoa Lao và bệnh phổi (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết khi vắc xin đã được phủ rộng rãi, đồng nghĩa những triệu chứng nặng đã được kiểm soát, đồng nghĩa tỷ lệ rất cao người bệnh phục hồi hoàn toàn.

Nhiều số liệu trên thế giới chỉ ra rằng chỉ có khoảng 10-20% số trường hợp mắc Covid-19 có biểu hiện các dấu hiệu của hội chứng hậu Covid-19.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu Covid. Các triệu chứng khác bệnh nhân có thể gặp phải, bao gồm: đau ngực, khó giao tiếp, cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác..., trong đó khoảng 10-15% trường hợp tiến triển thành bệnh nặng, và khoảng 5% bệnh trở nên nghiêm trọng. Tình trạng triệu chứng hậu Covid kéo dài có thể gặp ở một số người, thường là sau khi hết bệnh ba tháng, và kéo dài ít nhất hai tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ