Phá đường dây sản xuất hàng giả, thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc

GD&TĐ - Ngày 5/1, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, làm giả hàng hoá, thực phẩm quy mô lớn.

Theo thông tin ban đầu, qua công tác nắm tình hình, triển khai công tác nghiệp vụ trên địa bàn thành phố Biên Hoà xuất hiện một số loại thực phẩm, hàng hoá, bao gồm các loại bột giặt, dầu ăn, nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh... có dấu hiệu làm giả và giả các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.

Bao bì các thương hiệu nổi tiếng được cơ quan chức năng thu giữ.
Bao bì các thương hiệu nổi tiếng được cơ quan chức năng thu giữ.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xoá.

Sau thời gian tiến hành điều tra, vào lúc 9h, ngày 5/1, Ban chuyên án đã thành lập 16 tổ công tác đồng loạt tiến hành kiểm tra, khám xét tại 16 điểm sản xuất, buôn bán hàng ở địa bàn các huyện Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, thành phố Biên Hoà ( Đồng Nai) và thành phố Hồ Chí Minh.

Điển hình, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra điểm sản xuất hàng giả lương thực, thực phẩm quy mô lớn tại số nhà 1546E, ấp Phú Tân (xã Phú Cường, huyện Định Quán) do bà Vũ Thị Hoa (SN 1977, quê Nam Định, thường trú tại xã Phú Cường) làm chủ.

Đây được xem là một trong những điểm có số lượng hàng hoá, sản xuất, đóng gói có dấu hiệu hàng giả quy mô lớn.

Chủ cửa hàng thao tác lại công đoạn đóng gói hàng giả.
Chủ cửa hàng thao tác lại công đoạn đóng gói hàng giả.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng công an phát hiện trong nhà bà Hoa có một số lượng lương thực, thực phẩm có dấu hiệu làm giả các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, như bột giặt hiệu Omo, Net, dầu ăn, mì tôm, các loại nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh, 2 máy ép nhiệt dùng để đóng gói sản phẩm và hàng trăm loại bao bì giả các nhãn hiệu bột ngọt trên thị trường.

Qua đấu tranh, bà Hoa khai nhận toàn bộ số hàng hoá hơn 2 tấn tại nhà không có hoá đơn chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ.

Theo bà Hoa, số hàng hoá nói trên mua tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau đó đưa về pha trộn, đóng gói, làm giả các thương hiệu trên thị trường rồi đưa đi tiêu thụ tại địa bàn huyện Định Quán và Tân Phú.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hoá giả mạo.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hoá giả mạo.

Cùng thời điểm trên, các lực lượng Công an Đồng Nai đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại các điểm cơ sở sản xuất buôn bán hàng giả khác.

Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 10 tấn hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và nhiều phương tiện dùng để đóng gói, bao bì, nhãn mác dùng để xản xuất hàng giả...

Lực lượng công an đã niêm phòng toàn bộ số lượng hàng hoá không rõ nguồn gốc, hoá đơn chứng từ để tiếp tục mở rộng điều tra, xừ lý theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ