PGS.TS, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến mang tinh thần 'Bài ca sinh viên' vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vẻ ngoài luôn tạo ấn tượng trẻ trung, yêu đời, dồi dào sáng tạo nhưng trong cảm thức của tôi, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn có những điểm khác biệt.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến (bìa trái) nhận giải Nhất cuộc thi 'Trang sách tôi yêu'.
Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến (bìa trái) nhận giải Nhất cuộc thi 'Trang sách tôi yêu'.

Ông là tác giả “Bài ca sinh viên”, ca khúc trở thành giá trị tinh thần theo suốt năm tháng học tập của sinh viên.

Là “thủ lĩnh” của nhóm “Sinh viên 9-1” (Mùng Chín tháng Giêng), ông cùng nhóm đã đi biểu diễn khắp mọi miền để “thổi bùng” ngọn lửa khát vọng, đam mê cống hiến trong sinh viên khắp các trường đại học, cao đẳng những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Hào hoa nhưng cũng rất… cá tính

Tham gia Trại sáng tác “Trang sách tôi yêu” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức trong những ngày tháng 3 - Tháng Thanh niên, tôi vô tình gặp lại nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến. Giữa sắc xuân, đất trời giao hòa, lòng người dễ rung động trước cảnh vật tươi xanh, đặc biệt khi gặp bạn bè lâu ngày chưa gặp.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến có thể coi là một người thân quen của tôi. “Thân quen” từ khi tôi bắt đầu ngân nga những lời hát “Bài ca sinh viên ta hát/Có nắng ấm ban mai sắc ửng hồng/Tuổi sinh viên theo năm tháng/Trang sách trắng ước mơ tràn đầy…” khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Sau này đi làm báo được biết ông, tôi luôn coi ông là người thầy, người bạn tri thức đáng kính. Trò chuyện cùng ông lúc nào cũng thấy bản thân được học thêm gì đó. Lúc thì ông tâm sự về tác phẩm âm nhạc mới sáng tác, lúc thì ông kể về công trình nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Việt Nam, có lúc ông chia sẻ câu chuyện đối nhân xử thế, cách để làm người…

Ông tự nhận cái duyên âm nhạc là do trời định. Cha của ông nguyên là diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) luôn mong muốn con trai nối nghiệp. Bản thân ông cũng nghĩ cuộc sống luôn cần những người nghệ sĩ đem lại “món ăn tinh thần” giúp mọi người cân bằng, tĩnh tâm.

Ông coi đó là sứ mệnh, là trách nhiệm nghề nghiệp với xã hội mà mình theo đuổi. Bởi thế, suốt giai đoạn niên thiếu đến thanh niên, ông luôn ý thức cao nhất của việc học, từ học piano, accordion đến sáng tác âm nhạc. Tất cả kiến thức âm nhạc được ông cố gắng “hấp thụ”, tích lũy, làm dày dặn thêm vốn hiểu biết của mình.

Là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lẽ dĩ nhiên Trần Hoàng Tiến được thừa hưởng sự ga lăng, hào hoa, lãng tử, lịch thiệp… nhưng cũng rất cá tính. Khoảng những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi đang là Phó Trưởng khoa Văn hóa quần chúng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ông được một đồng chí lãnh đạo cấp cao một tỉnh mời về đảm nhận vị trí phụ trách, quản lý hoạt động văn hóa toàn tỉnh, nhưng rồi tự nhận thấy “ngọn lửa” đam mê công việc giảng dạy, sáng tác âm nhạc nên ông khước từ.

Ông bảo ông không có số “làm quan” mà chỉ an phận thủ thường làm một thầy giáo bình thường. Cuộc sống không dư dả nhưng ông luôn cảm thấy thanh thản, bình an.

Từ cán bộ đoàn đến “thủ lĩnh” nhóm nhạc sinh viên

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến (bìa phải) cùng các nhạc sĩ Lê Mây, Đỗ Thanh Khang.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến (bìa phải) cùng các nhạc sĩ Lê Mây, Đỗ Thanh Khang.

Nếu để liệt kê các tố chất cần có của một cán bộ đoàn thì trong con người Trần Hoàng Tiến đáp ứng đủ điều đó. Sôi nổi, nhiệt huyết, trách nhiệm, có trình độ, bản lĩnh cùng chuyên môn sâu về sáng tác nhạc, đánh đàn, ca hát… Dường như con người ông sinh ra là để làm đoàn thì phải?

Trong suốt quá trình học tập tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) rồi sau ra công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ông đều gắn bó công tác đoàn thanh niên. Nhưng chắc chắn nếu chỉ làm công tác đoàn ở các trường học thì tên tuổi của ông sẽ không được nhiều người biết đến như hiện nay.

Cơ duyên đó đến vào năm 1984, ông được mời tham gia chỉ đạo nghệ thuật của nhóm “Sinh viên 9-1” mới được thành lập dưới sự chỉ đạo của ông Hồ Đức Việt cùng Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Nòng cốt với 6 sinh viên đang học tập tại các trường đại học ở Thủ đô, nhóm thực hiện sứ mệnh đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ trong giới sinh viên.

Không thể cứ biểu diễn mãi những ca khúc quen thuộc, “thủ lĩnh” Trần Hoàng Tiến đã trăn trở bao đêm để sáng tác ca khúc “Bài ca sinh viên” phản ánh khát vọng, ước mơ, hoài bão của sinh viên Việt Nam.

Trong lời ca có những câu như: “Ta mơ một ngày mai/Bàn tay ta biến sông thành điện/Đi đi nào bạn ơi/Dệt nên những ước mơ cho đời...” được ông chuyển tải câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi phát biểu và ném hòn đá đầu tiên xuống ngăn dòng sông Đà để làm thủy điện và chắt lọc câu nói của đồng chí Hồ Đức Việt: “Tuổi trẻ cần phải xây dựng hoài bão, ước mơ cho đời”.

Bài hát đã đi đúng, đi trúng vào tâm tư, nguyện vọng và khát khao hoài bão của sinh viên thời bấy giờ, bởi thế từ lần đầu tiên “trình làng” vào ngày 19/5/1985 trong cuộc thi “Tiếng hát làng Sen” diễn ra trên quê hương Bác, nó đã trở nên phổ biến và được nhóm đem đi biểu diễn tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 12 tổ chức tại Mátxcơva (Liên bang Xô viết) sau đó không lâu.

Sau “luồng gió” của SV 96 cùng với yêu cầu của thời cuộc là phải chọn một bát hát là bài ca chính thức của Hội Sinh viên Việt Nam, “Bài ca sinh viên” cùng với bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đại diện ở miền Nam đã được “nâng lên đặt xuống” rất nhiều. Cuối cùng “Bài ca sinh viên” đã được lãnh đạo Trung ương Hội lựa chọn và đó cũng là mong mỏi, nguyện vọng của hàng triệu thanh niên, sinh viên Việt Nam lúc bấy giờ.

Nối tiếp tinh thần của “Bài ca sinh viên”

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến say sưa bên những nốt nhạc.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến say sưa bên những nốt nhạc.

Hôm nay khi nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến trò chuyện cùng tôi thì những thành viên nhóm “Sinh viên 9-1” đã trưởng thành, mỗi người có cuộc sống, sự nghiệp riêng nhưng “Bài ca sinh viên” thì vẫn vang vọng trong trái tim mỗi sinh viên nói riêng và lớp lớp thanh niên nói chung. Với ông, “đứa con tinh thần” - “Bài ca sinh viên” để người ta biết đến là hạnh phúc lắm rồi.

Nhưng đã mang tinh thần của thanh niên thì luôn phải tiến lên phía trước, không được thỏa mãn với những gì đã có. Bởi thế, ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông vẫn miệt mài sáng tác, phối khí, giảng dạy.

Đặc biệt trong năm 2021, ông đã có 3 ca khúc được giới thiệu trên sóng truyền hình là “Trần Phú - tên anh còn mãi trên lá cờ Đảng”, “Còn mãi văn hiến Việt Nam” và “Lá me xanh”. Cũng như “Bài ca sinh viên”, ca khúc “Trần Phú - tên anh còn mãi trên lá cờ Đảng” ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.

Ông viết trong dịp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để ca ngợi phẩm chất, khí phách, tinh thần yêu nước của một người được coi là “tượng đài” trong lòng thanh niên. Qua lời ca, giai điệu, ông gửi gắm thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay hãy noi gương thế hệ đi trước như đồng chí Trần Phú để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến sáng tác khá đa dạng về thể loại, chủ đề nhưng có thể thấy nổi bật nhất vẫn là những ca khúc dành cho thanh niên. Theo ông sáng tác cho người trẻ là công việc không dễ, bởi ca khúc phải chuyển tải được tinh thần, tâm hồn giới trẻ, để người trẻ hát lên thấy mình ở trong đó.

Là nhạc sĩ được đào tạo bài bản nhưng ông luôn tránh sáng tác quá học thuật, hàn lâm mà hướng đến những giai điệu, nét nhạc mới, cách tân, sáng tạo trên tinh thần của nghệ thuật dân tộc. Ông cho rằng, sáng tác cho người trẻ đòi hỏi phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.

Tất nhiên người trẻ thì luôn dạt dào tình yêu đôi lứa nhưng trong tim họ luôn phải ý thức được trách nhiệm với dân tộc. Và những bài hát về giới trẻ của ông luôn hướng về điều đó như một “kim chỉ nam”.

Người thầy tâm huyết, trách nhiệm

Dẫu làm nhiều công việc bên ngoài, như sáng tác hay dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật thì nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn là một người thầy đào tạo âm nhạc suốt mấy chục năm qua. Hiện nay khi đã nghỉ công tác quản lý, ông tiếp tục giảng dạy bậc trên đại học tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Nhiều học trò của ông đã trở thành những tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà như ca sĩ Ngọc Anh, Lệ Quyên, Quang Hà..., nhiều học trò của ông là các thầy, cô giáo, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh, như Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đắk Lắk, Kon Tum, Đà Nẵng...

Theo ông thì trong rất nhiều ngành đào tạo, âm nhạc là lĩnh vực khó bởi đòi hỏi người học có năng khiếu, chăm chỉ, kiên nhẫn, bền bỉ. Chính vì điều đó, ông khuyên sinh viên âm nhạc phải kiên trì, biết lắng nghe, không ngừng học hỏi, đặc biệt là chỉ có luyện tập chứ không có con đường nào khác để đạt thành công.

Nhiều lần ngồi với các học trò của ông như Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) hay giảng viên âm nhạc Đỗ Tuấn Anh (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), tôi đều nhận thấy ở họ có sự trân trọng dành cho người thầy của mình.

Với họ thì nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến luôn thật gần gũi, tình cảm và hết lòng thương yêu học trò. Sự nỗ lực, cố gắng của ông trong học tập, công tác luôn là tấm gương sáng để thế hệ học trò tiếp bước, noi theo.

Mới đây, khi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố kết quả cuộc thi “Trang sách tôi yêu” – nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, tôi lại thấy ông giành vị trí cao nhất với ca khúc “Trang sách quê hương”, trong đó ông đã lồng ghép tên của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào trong khuông nhạc thật mềm mại, uyển chuyển.

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi thì ca khúc đã thấu hiểu, đồng cảm với công việc của người làm sách giáo khoa, khơi gợi tinh thần vươn lên trong mỗi học sinh. Có thể nói ở tuổi 66, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn mang được phong cách trẻ trung, mới mẻ trong suy nghĩ đến âm nhạc. Đó là điều thật đáng quý, đáng trân trọng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.