PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng: Đắm đuối cùng đề tài

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng: Đắm đuối cùng đề tài

Hơn 20 năm theo đuổi

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, công trình "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" được anh và cộng sự triển khai từ năm 1999. 

Lúc đầu, chương trình gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí thực hiện, bản thân chủ nhiệm chương trình phải tự bỏ tiền ra để nghiên cứu.

"Nhờ đam mê và mong muốn tạo ra sản phẩm công nghệ giúp ích cho cộng đồng, chúng tôi đã chế tạo được hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-1 và DS-2. Năm 2006 - 2008 được sự hỗ trợ đề tài NCKH cấp bộ, chế tạo thành công hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-3. 

Đến năm 2009 bắt đầu thương mại hóa, khi đó mới có kinh phí tiếp tục nghiên cứu và cải tiến hoàn thiện sản phẩm. Nhóm đã chế tạo thành công từ hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-4 đến DS-10, triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc, đồng thời xuất khẩu qua Campuchia và Lào", PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Bảo Sơn, công trình "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa" mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế: Sữa ong chúa, tổ yến, nấm đông trùng hạ thảo, dịch chiết nấm linh chi, các chế phẩm sinh học… enzyme. 

Bên cạnh đó, công trình cũng tạo ra sản phẩm thực phẩm cao cấp, mang lại giá trị kinh tế cao cho nền nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định phát triển nông nghiệp, phát triển công nghệ sau thu hoạch, chế biến thực phẩm, phát triển công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm… phát triển kinh tế đất nước.

Ở khía cạnh phát triển khoa học công nghệ, công trình khoa học có nhiều điểm mới, đều công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín Scopus/ISI và được cấp bằng sáng chế. 

Điểm đáng chú ý, công nghệ hệ thống sấy thăng hoa hoàn thiện có giá thành chỉ bằng 1/4 - 1/3 so với thiết bị ngoại nhập cùng năng suất, tuổi thọ cũng như độ bền và chế độ bảo dưỡng. Ngoài ra, công trình cũng góp phần đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao.

Chấp nhận thất bại

GS.TS Nguyễn Tấn Dũng có hành trình nghiên cứu khoa học (NCKH) khá thú vị. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi làm tại công ty Nhật Bản về lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí.

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng đã xuất bản 21 bài báo khoa học, trong đó 12 bài báo khoa học quốc tế (Scopus/ISI) và 9 bài báo khoa học chuyên ngành trong nước được tính điểm Hội đồng GS Nhà nước (0-1) điểm; 1 sách chuyên khảo do NXB ĐHQG TPHCM xuất bản; 1 cuốn sách tham khảo xuất bản tại NXB LAP LAMBERT - Đức; 2 cuốn giáo trình; 2 đề tài cấp cơ sở; 2 đề tài cấp bộ; 1 đề tài cấp Sở KHCN TPHCM.

Bốn năm sau đó, anh trở về tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đồng thời tập trung học tập nghiên cứu sâu hơn. Đó cũng là bước ngoặt để anh bắt tay vào công trình "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" từ 1999 mà lúc trước đã nuôi ý tưởng.

Tính đến nay, chương trình "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự triển khai ngót nghét 21 năm. 

Thực tế, NCKH là công việc không đơn giản, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, anh chia sẻ: "Nếu sợ thất bại không bao giờ làm được. Người làm NCKH phải chấp nhận rủi ro và lường trước được thất bại, để khi gặp không thất vọng và nản chí, mà đúc kết nên những kinh nghiệm quý báu".

Khi hay tin đạt Giải thưởng Bảo Sơn, anh cho biết rất vui và hạnh phúc. "Để có kết quả này, tôi biết ơn tập thể Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Đặc biệt là lãnh đạo nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi và các cộng sự yên tâm giảng dạy, lao động, học tập và nghiên cứu" - PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, tiêu chuẩn đạt Giải thưởng Bảo Sơn rất nghiêm ngặt, các công trình nghiên phải thỏa mãn 3 tiêu chí: Có giá trị và được đăng tải trên tạp khí khoa học quốc tế có indexed in ISI/Scopus và có phát minh sáng chế; Triển khai ứng dụng vào sản xuất thực tế tại các nhà máy, doanh nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu;

Công trình giúp ích cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế cộng đồng, phát triển đất nước, đồng thời thúc đẩy phát triển KHCN, GD-ĐT cho đất nước, cũng như tạo công ăn việc làm, xóa đói giản nghèo cho cộng đồng.

Nói về khoản tiền thưởng 50.000 USD của Giải thưởng Bảo Sơn, PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ đầu tư nghiên cứu quá trình truyền nhiệt trong môi trường chân không để ứng dụng cải tiến các phiên bản tiếp theo của hệ thống sấy thăng hoa DS-xx tốt hơn, tối ưu cũng như tiết kiệm năng lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ