PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc: Nhà giáo dấn thân với CDIO

GD&TĐ - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai đại trà toàn bộ chương trình đào tạo (CTĐT) theo CDIO. Để có được những quyết sách này, nhà trường đã có lộ trình thí điểm CDIO từ năm 2009 tại khoa Cơ khí.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (bìa phải) tham dự Hội nghị CDIO Thế giới lần thứ 6 tại École Polytechnique de Montréal, Québec, Canada, năm 2010.
PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (bìa phải) tham dự Hội nghị CDIO Thế giới lần thứ 6 tại École Polytechnique de Montréal, Québec, Canada, năm 2010.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Trưởng khoa khoa Cơ khí là người đứng mũi chịu sào lèo lái, xây dựng các CTĐT tại khoa theo đúng quỹ đạo của CDIO.

Sẵn sàng "chịu đạn"

 Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) - Đai học Quốc gia TPHCM đã triển khai đại trà toàn bộ chương trình đào tạo theo CDIO từ năm 2014. Đồng thời, trường này cũng là cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn kiểm định chất lượng của quốc tế nhất với hơn 30 CTĐT. Gần đây nhất là 3 CTĐT của Khoa Cơ khí đạt chuẩn kiểm định AQAS (Đức) lần đầu tiên tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc tham dự một Hội nghị về CDIO quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc tham dự một Hội nghị về CDIO quốc tế.

Có thể nói năm 2014 là năm niềm vui nhân đôi với PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Trưởng khoa khoa Cơ khí HCMUT, bởi ông vừa nhận danh hiệu NGƯT và vừa khép lại 5 năm với vai trò chỉ đạo trực tiếp đề án “Triển khai thí điểm CDIO tại ĐHQG TPHCM cho nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí; Máy tính và CNTT, nhân rộng triển khai cho các ngành đào tạo khác (2010-2017)” từ năm 2009 của khoa Cơ khí. Kết quả, Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định triển khai đại trà toàn bộ chương trình đào tạo theo CDIO từ năm 2014.

CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành), là phương pháp luận giáo dục (hay mô hình giáo dục khung) được đề xuất bởi một nhóm gồm 4 trường đại học, dẫn đầu là MIT (Mỹ), nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các ngành kỹ thuật.

Đây là một thành công bước đầu mà cách đây 5 năm khi bắt tay vào triển khai đề án, ông và các thành viên tham gia cũng chưa thể hình dung nó như thế nào. Vì CDIO lúc đó còn quá mới đối với giáo dục đại học ở Việt Nam. Ông kể, lúc đó bản thân cũng rất lo, tuy nhiên cũng lo làm.

“Khi được trường giao nhiệm vụ triển khai thí điểm đề án CDIO (gồm khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TPHCM và khoa CNTT của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), tôi và PGS.TS Lê Hoài Bắc (Phó trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) lên ĐHQG TPHCM. PGS.TS Phan Thanh Bình- Giám đốc ĐHQG TPHCM lúc bấy giờ, tâm tình: ‘Nhà trường cử hai thầy tham gia, vậy hai thầy chuẩn bị chịu đạn nghe’. Và từ lúc triển khai đề án cho tới lúc hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi "chịu đạn" liên tục từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới” - PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, một trong những công việc dễ nhận thấy nhất khi áp dụng theo chuẩn CDIO thì phải rà soát, xây dựng lại CTĐT và chuẩn đầu ra. Cụ thể, CTĐT của HCMUT đang từ 157 tín chỉ (TC) đã giảm xuống còn 140 TC. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là lớp học nhỏ lại, chỉ còn 40-60 sinh viên (SV) thay vì số lượng gấp đôi như trước.

Mặc dù số tín chỉ giảm nhưng chất lượng dạy và học phải được nâng lên, điều này gây áp lực rất lớn đối với giảng viên (GV) và SV. GV phải thay đổi phương pháp giảng dạy của mình một cách linh động, lấy SV làm trung tâm, một GV phải có 2 trợ giảng hỗ trợ. Tuy nhiên để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho GV thì cũng không đơn giản.

“Khi áp dụng thì thời gian dành cho lớp học tăng gấp đôi nhưng 1 ngày cũng không thể là... 48 tiếng. Muốn thay đổi phương pháp giảng dạy thì phải đánh giá theo quá trình mà 1 GV trên lớp thì không thể nào làm hết các công việc như: phải theo dõi SV, phải chấm bài cho SV và nguồn trợ giảng cũng không biết lấy từ đâu. Do đó giảng viên phải chịu một áp lực rất lớn” - PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) cùng 2 NCS tốt nghiệp tiến sĩ thuộc khoa Cơ khí (tháng 4/2022).

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) cùng 2 NCS tốt nghiệp tiến sĩ thuộc khoa Cơ khí (tháng 4/2022).

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, một trong những vấn đề cốt lõi lúc mới triển khai đề án CDIO là năng lực của GV và cơ sở vật chất. GV có chịu thay đổi phương pháp giảng dạy hay không, có đầu tư cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo hay không, là cả một quá trình vận động.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phải hội đủ điều kiện cho SV trải nghiệm, có không gian cho SV tự học, có chỗ cho SV làm ra các sản phẩm… là rất khó. Một vấn đề cũng cực kỳ quan trọng là với mức học phí cũng như thù lao hiện nay mà để GV toàn tâm toàn ý dạy theo CDIO là điều không đơn giản, vì nhu cầu con người ngày càng cao mà thu nhập từ nhà trường thì không theo kịp.

“Ban đầu có những lúc rất căng thẳng. Khi họp đơn vị đề cập đến thay đổi phương pháp giảng dạy, có GV lớn tuổi đập bàn nói ‘tôi dạy học SV thành công thế này thế kia, giờ thầy yêu cầu đổi mới cái gì’, rồi bỏ đi ra ngoài” – PGS Lộc nhớ lại. Tuy nhiên, sau đó với sự lèo lái uyển chuyển của ông thì mọi chuyện dần đi vào nề nếp. Điều này với ông là cả một nghệ thuật.

Nhiều đóng góp cho giáo dục

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc – Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có một bảng thành tích rất đáng nể. Ông có 5 năm lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Đại học Quốc gia TPHCM, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 25 lần liên tục Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ 1997 đến nay), được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2012), Huân chương Lao động hạng Hai (2020), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2008), Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen (năm 2017) và nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú trong đợt phong tặng năm 2014…

Một số ấn phẩm phục vụ giáo dục do PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc đứng tên tác giả.

Một số ấn phẩm phục vụ giáo dục do PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc đứng tên tác giả.

Bên cạnh trọng trách được giao thì viết sách phục vụ đổi mới đào tạo cũng là một sở thích của ông với vai trò đồng tác giả của nhiều ấn phẩm, trong đó nổi bật như: Thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra (viết 1 chương, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2012); Chương trình đào tạo tích hợp: Từ Thiết kế đến vận hành (viết 8 chương, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2014), Đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Chủ biên, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2018), nhiều bài báo trong các Hội nghị Quốc tế và trong nước về CDIO…

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc còn là tác giả nhiều sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học được tái bản và in mới liên tục NXB Đại học Quốc gia TPHCM, như: Giáo trình Cơ sở thiết kế máy (2016), Giáo trình Quy hoạch và phân tích thực nghiệm (2021), Giáo trình Mô hình hóa hình học (2022),  Thiết kế và phân tích hệ thống cơ khí theo độ tin cậy (2015), Bài tập Chi tiết máy (2016), Thiết kế máy và Chi tiết máy (2019) và nhiều tài liệu tham khảo khác. Và ông còn viết hàng trăm công trình NCKH gồm các bài báo đã đăng trong các Tạp chí, các Kỹ yếu hội nghị Khoa học Quốc tế và trong nước.

Từ 2009 đến nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc là Trưởng tiểu ban Olympic Cơ học môn Chi tiết máy toàn quốc. Từ năm 2011, ông chủ trì việc đưa môn Ứng dụng tin học trong Chi tiết máy vào thi Olympic Cơ học Toàn quốc, là Trưởng tiểu ban môn thi này. Năm 2014 ông là Chủ biên sách “Chi tiết máy và ứng dụng tin học trong chi tiết máy” (NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2014) phục vụ Olympic Cơ học Toàn quốc. Từ 2017 đến nay ông là Phó Trưởng ban Tổ chức Olympic Cơ học toàn quốc. Nhiều SV do ông hướng dẫn tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, đang tiếp tục học lên cao trong nước và quốc tế.

Có thể nói, từ những buổi tập huấn ban đầu về CDIO với nhiều lúng túng trong việc làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra những giá trị thặng dư trong giáo dục, giờ đây PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc đã là một gương mặt quen thuộc tại các hội thảo, tọa đàm về CDIO. Ông tham gia với vai trò là diễn giả hay người trực tiếp triển khai về CDIO, tập huấn CDIO cho nhiều trường đại học trong nước. 

“Phương pháp luận CDIO là công cụ hướng dẫn cách thức xây dựng, triển khai và vận hành chương trình đào tạo. Việc sử dụng hiệu quả công cụ này trong việc xây dựng CTĐT đã chứng minh rằng CTĐT của nhà trường được xây dựng chặt chẽ, khoa học và logic với các chuẩn đầu ra phù hợp với cơ hội việc làm quốc tế.

Có thể ví phương pháp luận CDIO như một huấn luyện viên tài tình giúp cho nhà trường đạt thành tích cao trong đường đua chất lượng đào tạo đẳng cấp quốc tế.

Cũng cần nói thêm rằng, phương pháp luận CDIO tập trung chủ yếu vào việc xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, nhưng nếu chúng ta tuân thủ triết lý cốt lõi của nó, thì hoàn toàn có thể áp dụng vào nhiều hoạt động khác đạt hiệu quả tốt.

Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng phương pháp luận CDIO cho hoạt động đào tạo, nhà trường cũng triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cho các hoạt động hành chính, quản lý của nhà trường.

Các công tác chính yếu của từng đơn vị đều được xây dựng thành các quy trình rõ ràng, cụ thể nhằm đạt được sự phối hợp nhịp nhàng trong toàn hệ thống từ đó góp phần giúp nhà trường đạt được các kết quả kiểm định nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung như hiện nay…” - PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ