Chuyển động cùng CDIO

GD&TĐ - CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Hoa Kỳ), cho đến nay mạng lưới các trường ĐH áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng. 

Một nhóm SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tham gia Cuộc thi EPICS (dạy học theo dự án) thực hành tại Không gian sáng chế, ĐH Đà Nẵng
Một nhóm SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tham gia Cuộc thi EPICS (dạy học theo dự án) thực hành tại Không gian sáng chế, ĐH Đà Nẵng

Cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn và ý thức trách nhiệm với xã hội.

Xây dựng chương trình đào tạo tích hợp

Theo các chuyên gia về CDIO, chương trình đào tạo (CTĐT) theo CDIO được xây dựng một cách hợp lý, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn. Sự khác biệt quan trọng khi xây dựng CTĐT theo CDIO là việc lựa chọn chuẩn đầu ra dựa trên sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý.

Với CDIO, sự khách quan trong xây dựng chuẩn đầu ra là điều kiện cơ bản để có thể đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Từ chuẩn đầu ra, các trường mới xây dựng một CTĐT với đầy đủ các hướng dẫn, công cụ nhằm đạt được chuẩn đầu ra đã định nghĩa.

TS Nguyễn Linh Nam – Trưởng khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, để đạt được mục tiêu đào tạo cả kiến thức lẫn kỹ năng, việc quan trọng là phải cải tiến CTĐT trong điều kiện không thể kéo dài thời gian của một học kỳ, học nhiều năm hơn hoặc mở rộng CTĐT thì các trường phải thực hiện việc phân công lại các nguồn lực hiện có. “CTĐT phải thay đổi về cấu trúc, khai thác các cơ hội học tập ngoại khóa song song với phát triển các giáo trình giảng dạy mới. Trong CTĐT các học phần chuyên ngành được giữ làm khung sườn và có tính bổ trợ lẫn nhau, đồng thời các kỹ năng cá nhân, giao tiếp và kiến tạo sẽ được lồng ghép, đan xen vào giáo dục chuyên ngành”.

CDIO là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Conceive - Design - Implement - Operate (nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành). Đây là những năng lực cốt lõi mà các kỹ sư khi tốt nghiệp cần đạt được.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã thiết kế lại CTĐT với thời gian đào tạo rút xuống còn 4 năm so với 5 năm như hiện nay, số tín chỉ là 120 tín chỉ theo định hướng ABET; giảm thời lượng lý thuyết, tăng thực hành, thí nghiệm. SV sẽ được triển khai các dự án theo hướng tích hợp liên môn chứ không chỉ đơn môn như trước đây.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết: “Trong mỗi học kỳ, các SV sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây. Sau đó, SV sẽ được giao các dự án hoặc các bài tập lớn liên môn. Để thực hiện các nội dung này, SV sẽ phải tự đọc thêm, học thêm các kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường”.

Từ thực tế triển khai CDIO tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho thấy, ngoài việc cung cấp một bản mẫu về chuẩn đầu ra, đề xướng CDIO cũng cung cấp những hướng dẫn rất cụ thể về đào tạo và phương pháp quản lý giáo dục như tinh thần doanh nhân, lãnh đạo trong giáo dục ĐH, phát triển giảng viên chuyên nghiệp, kết gắn doanh nghiệp với giáo dục ĐH, quốc tế hóa giáo dục ĐH, học tập dựa trên dự án, cải cách khung chương trình bền vững, đào tạo SV các kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập kinh nghiệm và học tập chủ động, thiết kế chương trình, khung chương trình, môi trường học tập, kiểm tra, đánh giá… nên rất hữu ích trong việc áp dụng và triển khai.

Những điều kiện cần và đủ của CDIO

TS Nguyễn Linh Nam cho rằng, trong chương trình CDIO, các trải nghiệm về hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành được lồng vào CTĐT, đặc biệt là trong các môn học đồ án, đề tài tốt nghiệp. Để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động trải nghiệm thiết kế - triển khai thì việc đầu tư cơ sở vật chất để tạo ra không gian làm việc CDIO là nhu cầu cần thiết.

Được làm việc trong một không gian tốt sẽ khuyến khích cho việc hình thành ý tưởng, sử dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến để thiết kế và triển khai ý tưởng của mình thành sản phẩm. Không gian làm việc tốt cũng góp phần hỗ trợ và khuyến khích cho việc giao tiếp, xây dựng và hoạt động nhóm.

Là một trong những thành viên của Hiệp hội CDIO, TS Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - đánh giá: “Áp dụng các phương pháp học tập này, không chỉ SV trở nên năng động và việc học tập có hiệu quả mà chính những giảng viên đứng lớp tại Duy Tân cũng phải có kế hoạch cụ thể hơn trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn SV để có một kết quả học tập tốt nhất”.

Trong 5 năm qua, SV Trường ĐH Duy Tân đã có 3 lần vô địch trong các cuộc thi CDIO Academy trong khuôn khổ Hội nghị CDIO các năm 2013 tại Học viện MIT và ĐH Harvard (Mỹ); 2016 tại Phần Lan và vô địch CDIO 2017 tại Canada.

Ở một góc độ khác, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, khi triển khai dạy – học theo dự án, giảng viên buộc phải thay đổi phương pháp so với cách giảng dạy truyền thống như trước đây: Nhận diện các tình huống để đem lại sự thành công cho dự án; cấu trúc các vấn đề thành những hoạt động học tập; hợp tác cùng đồng nghiệp để phát triển các dự án liên môn; quản lý quá trình học tập và hỗ trợ người học tự đánh giá; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý; phát triển các phương pháp đánh giá thực tế.

TS Nguyễn Linh Nam thì cho rằng, việc tiếp cận CDIO đòi hỏi phải có những điều kiện cơ bản: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nhân viên, CTĐT… đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản của CDIO, đồng thời phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình.

CDIO đòi hỏi tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu điều tra, khảo sát thực tiễn để xác định yêu cầu của xã hội về các sản phẩm đào tạo tới khâu xây dựng, thiết kế, tổ chức và đánh giá chương trình. Đây thực sự là những thách thức lớn đối với các trường đại học Việt Nam.

TS Ron Hugo đến từ ĐH Calgary (Canada) chia sẻ tại Hội nghị thường niên vùng CDIO châu Á do ĐH Duy Tân đăng cai tổ chức vào tháng 3/2018: “CDIO được biết đến như là một hệ thống các phương pháp xây dựng chương trình, nội dung và cách thức đào tạo các ngành nghề kỹ thuật. CDIO cũng được xem như là một quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ vào yêu cầu đầu ra (outcom - based) để thiết kế các định chế đầu vào, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ