PGS.TS Huỳnh Văn Chương: “Tăng tính tự chủ cho cơ sở trong đào tạo Thạc sĩ”

GD&TĐ - Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế), một điểm mới và quan trọng của Thông tư 23 quy định về đào tạo Thạc sĩ là tăng được tính tự chủ cao cho các cơ sở đào tạo.

Một buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế.
Một buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế.

Tăng tính tự chủ cho cơ sở đào tạo

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 23) quy định về đào tạo Thạc sĩ  có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, đúng vào thời điểm các cơ sở đào tạo đại học trong cả nước triển khai công tác tuyển sinh cao học  đợt 2.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, tùy theo mỗi cơ sở đào tạo mà có thể áp dụng Thông tư cũ (Thông tư 15) nếu tuyển sinh trước 15/10/2021 hoặc phải điều chỉnh đề án tuyển sinh để thực hiện theo Thông tư 23 nếu tổ chức tuyển sinh sau 15/10/2021.

Trao đổi về những điểm mới của Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng điểm mới và quan trọng là đã tăng được tính tự chủ cao cho các cơ sở đào tạo, cho người học và phù hợp với Luật 34 và Nghị định 99.

Thứ nhất, cho phép đa dạng hơn về hình thức tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo khi xây dựng đề án tuyển sinh có thể chọn phương án thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc có thể kết hợp để thuận lợi và phù hợp hơn cho cả thí sinh và cơ sở đào tạo, thuận lợi cho người nước ngoài tham gia thi tuyển và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế mà không quá cứng nhắc. 

Thứ hai, người học có thể lựa chọn nhiều hình thức học, có thể tập trung chính quy và có thể theo hình thức vừa làm vừa học, nếu người học có khung thời gian công việc không cho phép hoàn toàn học tập trung, tất nhiên lúc đó phải đăng ký học chương trình thạc sĩ theo định hướng ứng dụng. 

Thứ ba, Thông tư 15 trước đây cũng đã thể hiện là đào tạo theo định hướng ứng dụng hay định hướng nghiên cứu, nhưng ở Thông tư mới này, Bộ GD&ĐT đã làm rõ và cụ thể hơn về việc lựa chọn học thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng; Khung thời gian học và lựa chọn làm luận văn hoặc một hình thức thay thế khác đối với thạc sĩ theo định hướng ứng dụng. Các điều kiện đào tạo theo hai hướng này cũng đầy đủ và cụ thể hơn.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy,  Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế.

Tạo lợi thế cho sinh viên khá, giỏi

Một điểm đặc biệt ở Thông tư 23, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng sinh viên có học lực khá, giỏi đang theo học tại các cơ sở đào tạo đại học cần quan tâm và nắm chắc để khai thác được lợi thế là có thể đăng ký học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp đại học, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian học thạc sĩ.

Cụ thể, nếu sinh viên đang học đại học có học lực khá trở lên có thể đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ cùng ngành và cùng cơ sở đào tạo đó, nếu đáp ứng một số điều kiện quy định của cơ sở đào tạo và Thông tư này.

“Như vậy, học viên có thể rút ngắn trước được tối đa đến 15 tín chỉ, tức tương đương 1 học kỳ. Đây là một điểm rất mới của Thông tư 23.

Ngoài ra, Thông tư 23 cũng cho phép nếu người học đã có một bằng thạc sĩ muốn học thêm một bằng thạc sĩ khác, hoặc đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo đại học chuyên sâu theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP, tương đương bậc 7 thì có quyền yêu cầu cơ sở đào tạo công nhận một số học phần tương đương ở chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc chương trình chuyên sâu đã hoàn thành trước đó.

Đây là các điểm mới mà các cơ sở đào tạo cần thể hiện rõ các điều kiện, công khai rõ ràng trong quy chế đào tạo thạc sĩ và đề án tuyển sinh để thuận lợi cho thí sinh dự tuyển và người tham gia học thạc sĩ sau trúng tuyển trước khi thực hiện Thông tư 23 này…”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý.

Bên cạnh các điểm thuận lợi, theo Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, chuẩn đầu vào về ngoại ngữ là một điều kiện khá cao và gặp khó khăn cho thí sinh đăng ký dự thi hiện nay, ít nhất là 1-2 năm đầu khi áp dụng Thông tư 23. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp và gắn với bảo đảm chất lượng trong đào tạo thạc sĩ nói chung và sau đại học hiện nay.

“Trước đây đầu vào và ngay cả đầu ra về chuẩn ngoại ngữ đều do các cơ sở đào tạo tự quyết định có thể bằng các chứng nhận hoặc các chứng chỉ nội bộ được hiểu tương đương chứng chỉ B1.

Việc tương đương rất khó định lượng và đối sánh với chứng chỉ B1 theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, trừ hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã được thừa nhận, nên còn nhiều bàn cãi giai đoạn vừa qua. Nay Thông tư 23 mới đã định vị rõ chuẩn đầu vào là chứng chỉ B1 hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương theo danh mục cụ thể và đầu ra là chứng chỉ B2 hoặc tương đương…” , PGS.TS Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, việc điều chỉnh chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với trình độ Thạc sĩ bắt buộc các cơ sở đào tạo phải có những chính sách tốt và rõ hơn về chuẩn đầu ra cho sinh viên đại học và nên phải đạt tối thiểu là chứng chỉ B1 theo Thông tư 23 hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương, như vậy mới đảm được quyền lợi cho sinh viên tốt nghiệp đủ chuẩn để tham gia học các chương trình đào tạo thạc sĩ.

“Điều này cũng giúp sinh viên đại học cũng như người học đã tốt nghiệp mong muốn học lên cao cần nâng cao nhận thức và quyết tâm học ngoại ngữ để đạt các chuẩn đầu ra ngay từ những năm đầu đại học hoặc phải có quá trình chuẩn bị đầu vào trước khi tham gia học chương trình thạc sĩ.

Đây cũng là mong muốn lớn nhất trong các chính sách hiện nay của nhà nước, các cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động về chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên bên cạnh các chuẩn về kiến thức, kỹ năng và nhận thức, hướng đến là đạt chuẩn đầu ra khu vực và quốc tế về ngành nghề đào tạo”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.