Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ, nhìn chung quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ của các các cơ sở giáo dục đại học giảm mạnh; trong đó có nguyên nhân chủ quan, khách quan và có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài.
Thực tế cho thấy, những trường tốp cao, tuyển sinh thạc sỹ, tiến sĩ còn kém hơn các trường khác; đó là bất cập. Vì thế, lần này, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng Thông tư quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Quan điểm là các quy định, hướng dẫn phải đúng luật và đảm bảo chất lượng.
Theo Thứ trưởng, Quy chế có thể giảm bớt các yêu cầu về quy trình, thủ tục không cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản là chuẩn mực về chất lượng, tuyển sinh; đề cao tính công bằng, khách quan, tạo cơ chế thông thoáng cho các trường. Nếu có cạnh tranh thì phải cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước cũng như các cơ sở đào tạo quốc tế.
Buổi Tọa đàm là cơ hội để các trường xem lại quá trình đào tạo; từ đó có góp ý với ban soạn thảo Quy chế để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ có nhiều điểm mới. Theo đó, những quy định chung có thể đưa vào quy chế, nhưng vẫn phải đảm bảo nhất quán.
Quy chế cũng cần làm rõ thế nào là đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng; đồng thời quy định về công tác tuyển sinh, đào tạo…, làm sao để các trường quyết định dựa trên đặc thù, nhưng trên mặt bằng chung vẫn đảm bảo khách quan và chuẩn đầu ra. “Chúng ta chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta cam kết với xã hội về chất lượng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị, từ kinh nghiệm và tực tiễn của nhà trường, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kĩ dự thảo thông tư để có những góp ý xác đáng, chất lượng; từng bước hoàn chỉnh Quy chế để có thể ban hành, làm cơ sở để các trường vận hành.