Nén tâm nhang của những học trò “tóc bạc” gửi thầy Văn Như Cương

GD&TĐ - Sáng ngày 9/10, tin thầy giáo, PGS.TS. Văn Như Cương mất khiến nhiều người ngỡ ngàng, hụt hẫng, chông chênh một nỗi mất mát lớn. Đối với Nghệ An, mảnh đất quê hương thầy, và với trường ĐH Vinh - nơi thầy đã góp công gầy dựng năm xưa, nhiều học trò, đồng nghiệp lặng mình tự thắp một nén tâm nhang. 

Hình ảnh người thầy đáng kính trong lòng nhiều thế hệ học trò
Hình ảnh người thầy đáng kính trong lòng nhiều thế hệ học trò

Những ký ức, những câu chuyện và hình ảnh về người thầy rất gần mà giờ đã xa được chia sẻ trong hồi tưởng xúc động.

Những ký ức về một người thầy đáng kính

Nhà giáo Trương Đức Hinh (nguyên quyền Trưởng khoa Sư phạm Toán – ĐH Vinh) là học trò thuộc lớp đầu tiên của thầy Văn Như Cương tại trường ĐH Sư phạm Vinh, sau đó được giữ lại trường và trở thành đồng nghiệp với thầy Cương trong tổ hình học.

Sau này, suốt cả chặng đường dài cùng trong nghiệp “sư phạm”, tôi và thầy Cương bị gián đoạn khoảng 5 năm khi thầy đi học tại Liên Xô cũ. Còn lại, chúng tôi thường xuyên gặp nhau, khi thì cùng công tác tại ĐH Vinh, nữa là cùng làm công tác trao đổi chuyên môn, nghiên cứu Toán học” Thầy Trương Đức Hinh nói.

Phó GS.TS. Văn Như Cương

Về chuyên môn, không cần nói mọi người đều đã biết từ những đóng góp của thầy Văn Như Cương trong giáo dục. Nhưng trong nhiều phương diện khác trong cuộc sống, thầy Cương đều có biểu hiện “rất hay”, thầy Hinh nhớ lại.
“Thầy Văn Như Cương có vẻ ngoài đĩnh đạc, hơi tây với tóc dài, râu dài, nhưng lại vô cùng hòa đồng, vui vẻ chân thành với học trò, với đàn em trong nghề, và gần gũi với mọi người xung quanh.
Tôi nhớ, những năm trường ĐH Sư phạm Vinh sơ tán về các vùng quê trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, hay ra tỉnh Thanh Hóa, đến đâu thầy cũng người người dân yêu quý, thích đến để nghe thầy nói chuyện, những câu chuyện dí dỏm, hài hước.
Thậm chí, có nhiều người chỉ đến tìm gặp gỡ thầy, đề “ngắm nghía” một người đàn ông hào hoa như thế”.

“Và sự ra đi của thầy Văn Như Cương là nỗi mất mát, hẫng hụt lớn, không chỉ riêng với gia đình thầy, mà của hàng bao nhiêu thế hệ học trò trong đó, có những học trò đầu đã bạc như tôi”, nhà giáo Trương Đức Hinh xúc động.

Còn đối với PGS.TS Trần Xuân Sinh, nhận tin thầy Cương mất là một sự ngỡ ngàng, quá xúc động. “Tôi vội vào ngay trang Facebook Cựu giáo chức ĐH Vinh để thông báo tin buồn với mọi người. Tôi vẫn biết thầy mang trọng bệnh, nhưng suốt thời gian qua, tôi vẫn tin tưởng và mong rằng một người bản lĩnh, lạc quan như thầy sẽ còn ở lại với chúng ta lâu hơn nữa. Nhưng hôm nay, thì thầy đã ra đi thật rồi”!

Thầy Văn Như Cương ghi lại bút tích khi về thăm khối THPT chuyên ĐH Vinh

Cũng là học trò của thầy Văn Như Cương khi thầy đang ở tại trường ĐH Vinh, sau đó đi theo con đường sư phạm, thầy Trần Xuân Sinh chia sẻ:

Thầy là một người đáng kính, cương trực, thương học trò, thương đồng nghiệp trẻ và hơn hết là một đã cho tôi trưởng thành rất nhiều trong nghề nghiệp, cho tôi một phương pháp dạy học ấn tượng.

Từ cách minh họa của thầy trong bài giảng, từ giọng điệu, âm thanh thay đổi theo từng bài học và từng điều cần diễn đạt… Suốt cuộc đời giảng dạy của tôi, thầy là một tấm gương lớn để tôi nhìn vào đó noi theo – về một người thầy đến tận cuối đời vẫn chưa hề nghỉ ngơi, say sưa với nghề nghiệp.

Nhà giáo của nhân dân!

Thầy Văn Như Cương bên những người thầy đầu tiên của Khoa Toán (đứng thứ 5 từ trái sang)

Sáng sớm, khi vừa ngồi vào máy tính, nhận được tin PGS.TS Văn Như Cương mất, TS. Lê Thống Nhất đã xúc động mà viết ngay những lời tự tâm can của một học trò, như một nén hương đầu tiên, vĩnh biệt người thầy đã tận tâm với học sinh, đồng nghiệp và với sự nghiệp giáo dục đến tới giây phút cuối cùng.

Đó là những dòng hồi tưởng về người thầy yêu thương: “Hạnh phúc ngẫu nhiên là mình cùng quê gốc với thầy: xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chất "ông đồ xứ Nghệ" vẫn mang nhiều dấu ấn trong cuộc sống của Thầy qua nhiều câu chuyện lưu truyền trong xã hội.

Thời đi học Thầy học giỏi cả hai môn Toán và Văn nhưng Thầy đã coi Toán là xương cốt còn Văn là da thịt của cuộc sống. Cha của Thầy gợi ý 2 lựa chọn để Thầy theo đuổi: Sư Phạm hoặc Kỹ thuật, nhưng Thầy quyết tâm chọn đi vào con đường dạy học”, TS. Lê Thống Nhất viết.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội và giảng dạy tại đó một thời gian ngắn, năm 1959, thầy Văn Như Cương cùng GS. Nguyễn Thúc Hào và nhiều thầy giáo khác trở về thành chủ chốt xây dựng trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh).

TS. Lê Thống Nhất đến thăm thầy Cương, và không ngờ “đó là cái bắt tay cuối cùng với thầy”

Nhiều câu chuyện về chuyên môn, tính cách, lối sống của thầy Cương đã trở thành giai thoại đối với thế hệ thầy cô và sinh viên trường ĐH Sư phạm Vinh.

Như câu chuyện tìm mua thuốc lá cùng thầy Nguyễn Trọng Tuất (giáo viên môn Nga văn). Với dáng vóc và râu "như Tây", thầy cùng thầy Tuất vào một cửa hàng có bán thuốc lá "phân phối".

Thầy nói tiếng Nga để thầy Tuất dịch lại và giới thiệu: "Đây là chuyên gia Liên Xô sang giúp ta, ông ấy hết thuốc lá dự trữ mà đang đi công tác vào phía Nam. Cô có thể linh động bán cho mấy bao không?". Cô bán hàng tròn mắt và tất nhiên không tiếc và không sợ gì để bán cho "ông chuyên gia Liên Xô" hẳn một cây thuốc.

Năm 1976, thầy Cương trở ra Hà Nội, sau đó thành lập nên trường dân lập THPT Lương Thế Vinh – ngôi trường đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh.

Mặc dù tuổi ngày càng cao, nhưng thầy chưa bao giờ bớt sự quan tâm đến dạy – học, luôn trăn trở đưa ra nhiều ý tưởng, quan niệm mới về giáo dục, quan niệm sống cho học trò ở thế hệ mới. Cho đến khi mắc bệnh hiểm nghèo, vẫn là cái sự bản lĩnh, vững vàng giúp thầy và gia đình chiến đấu quyết liệt.

“Đã có lúc tưởng như đã chiến thắng. Ngày 24/3/2017 cùng bạn bè tới thăm Thầy thấy Thầy yếu quá. Thế mà Thầy vẫn vui và lạc quan. Thầy vẫn trò chuyện với giọng yếu nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Khi mọi người khuyên Thầy cần ăn uống, đặc biệt là uống sữa, nước hoa quả, Thầy vẫn hóm hỉnh như xưa, hỏi lại: "Uống bia có được không?" làm tất cả đều cười vui vẻ.

Hỏi Thầy có muốn uống Beluga không? Thầy lắc đầu. Hỏi Thầy có muốn vào FB? Thầy gật đầu nói nhỏ: "Có...". Mọi người không dám trò chuyện lâu vì sợ Thầy mệt. Khi nghe nói các trò chia tay ra về, đột ngột Thầy ngồi dậy rất nhanh đến mức mọi người cản không kịp” – TS. Lê Thống Nhất kể lại. Và người học trò ấy không ngờ được, lần gặp gỡ ấy, cái ngồi dậy bắt tay ấy lại là lần cuối cùng của hai thầy trò.

“Viết về Thầy rất khó bởi viết mấy cũng còn thiếu rất nhiều. Thầy yên nghỉ nhé! Chỉ có ít người giận Thầy vì những điều nói thẳng của Thầy thôi!

Sáng nay biết bao người đã ngỡ ngàng trước sự ra đi của Thầy. Chỉ tiếc một điều, điều mà Thầy chắc cũng không cần: Thầy chưa được tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng các thế hệ học trò của Thầy đều ngưỡng mộ Thầy với danh hiệu Nhà giáo của Nhân dân”!

Trăm năm tính mãi cuộc vuông tròn

Để lại danh gì với nước non?

Chẳng thiết mưu danh cùng kiếm lợi

Không cần trát phấn với bôi son

Xưa đà ngang dọc ngôi trường lớn

Nay vẫn tung hoành mảnh đất con

Còn sống còn xem thời với thế

Rồi đây ai tính cuộc vuông tròn.

( Bài thơ PGS.TS Toán học Văn Như Cương mừng thọ tặng Thầy Nguyễn Thúc Hào lên 70 tuổi năm 1982 (theo ghi lại của TS. Lê Thống Nhất)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.