(GD&TĐ)-Năm 2010, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 – một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với cấp học nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân chính thức được triển khai.
So với các bậc học khác, có thể nói, mầm non là bậc học gặp nhiều “truân chuyên” nhất. Sau ngày thống nhất đất nước và giai đoạn xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, cấp học này được giao cho hợp tác xã nông nghiệp “nuôi”. Vậy nên, nơi nào hợp tác xã khấm khá thì trường học xây dựng khang trang, cô giáo được trả công tương xứng và ngược lại.
Chỉ đến khi Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, Giáo dục mầm non mới chính thức được coi là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cho đến nay, việc phát triển giáo dục mầm non luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển cấp học này.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã phát triển trường mầm non công lập tại các vùng khó khăn, ưu tiên tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non; các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, chương trình kiên cố hóa trường lớp học cũng dành tỷ lệ ngân sách cao, từ 80-100% cho các tỉnh này.
Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước hiện nay là khá cao, trên 98%. Theo Thứ trưởng Nghĩa, vấn đề quan trọng là phải nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời phải duy trì số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức, cố gắng đảm bảo hết số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập nhằm tạo sự ổn định trong phát triển giáo dục mầm non. |
“Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” là một trong những quy định quan trọng được bổ sung tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó nhấn mạnh Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước. Lần đầu tiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi đã được luật hóa. Đây là quy định thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và khẳng định thành tựu quốc gia trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Để bảo đảm tính khả thi của Luật này sau khi được ban hành, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án triển khai thực hiện quy định này, nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng.
Ngày 9/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu là đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở các vùng miền được đến lớp để thực hiện chương trình giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý để trẻ sẵn sàng vào lớp 1.
Với kinh phí thực hiện 14.660 tỷ đồng, quá trình PCGDMN cho trẻ em năm tuổi được tiến hành trong 6 năm gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010-2012 sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá công nhận PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; thực hiện Chương trình GDMN mới; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây mới, cải tạo trường, lớp; cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phổ cập; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện nghèo. Chuyển đổi các trường MN bán công sang loại hình theo quy định, thành lập mới các trường tư thục ở những nơi thuận lợi. Điều chỉnh, bổ sung định mức biên chế, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non. Tập trung chỉ đạo các địa phương có điều kiện hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi...
Giai đoạn 2013-2015, tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xây dựng bổ sung số phòng học, phòng chức năng còn thiếu; cung cấp trang thiết bị, đồ chơi cho các trường, lớp mầm non; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu phổ cập. Củng cố thành quả PCGDMN 5 tuổi ở các địa phương đã được công nhận giai đoạn một. Kiểm tra công nhận các tỉnh còn lại...
Ngày 10/8/2010, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi quy mô toàn quốc đã được tổ chức trực tuyến qua mạng Chính phủ tại điểm cầu Hội trường Chính phủ, 63 điểm cầu tại hội trường UBND của 63 tỉnh, thành phố. Tại Hội nghị này, nhiều tỉnh thành đã thể hiện quyết tâm sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn mặc dù điều kiện vẫn còn không ít khó khăn. Một số tỉnh cho biết phấn đấu để về đích trước thời hạn 1 năm (2014) như Lào Cai, Đắc Lắc, Cao Bằng, Phú Yên (2014), Hà Nội (2014)…Riêng TP Hồ Chí Minh thì đưa ra mốc đạt chuẩn sớm hơn đến 3 năm...
Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 dành cho các tỉnh thành phía Nam 14./1 vừa qua, có 9 tỉnh, thành phố đã đăng ký hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012, gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ và Hòa Bình. Ngoài ra, sẽ có 4 tỉnh hoàn thành vào năm 2013, 15 tỉnh vào năm 2014 và 34 tỉnh thành vào năm 2015. Riêng TP.HCM, là 1 trong 5 thành phố lớn được Bộ GD&ĐT khuyến khích hoàn thành vào năm 2012.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, triển khai thực hiện Đề án, Bộ GD& ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, bố trí đủ ngân sách cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng và giáo dục mầm non nói chung… Quan điểm của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai thực hiện Đề án là không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi. Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra tại một số địa phương để có biện pháp chỉ đạo, rút kinh nghiệm về cách tiến hành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non một cách toàn diện, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, chính sách cho trẻ mầm non; cho các cơ sở giáo dục mầm non; Tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Quốc hội khóa XII về Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục - đào tạo; ban hành cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non…
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành ban hành thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Trường mầm non ban hành năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Điều kiện thành lập, thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, hồ sơ và thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ; Sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường, nhà trẻ; Điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia, tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tại Thông tư này, trường mầm non,trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có thêm nhiệm vụ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015. Theo kế hoạch này, trong thời gian tới, sẽ có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi sẽ được ban hành.
Hiếu Nguyễn