Mặc dù, khi thành phố giả bắt đầu hình thành, người Đức đã xin đình chiến nên sự sáng tạo này chưa được thử thách, nhưng Chính phủ Pháp vẫn xem đây là một giải pháp phòng thủ quan trọng nếu xảy ra chiến tranh trong tương lai.
Paris bị oanh tạc
Paris lần đầu tiên bị máy bay Đức ném bom vào ngày 30/8/1914. Thương vong tuy không đáng kể nhưng thiệt hại về mặt tâm lý rất sâu sắc. Phụ nữ và trẻ em không còn được an toàn trước hỏa lực của kẻ thù.
Trong 18 tháng sau đó, tiếp tục có những cuộc ném bom lẻ tẻ xuống thủ đô nước Pháp, bao gồm cả cuộc tấn công đầu tiên của khí cầu Zeppelin (được đặt theo tên nhà phát minh ra nó, Bá tước Ferdinand von Zeppelin) vào tháng 3/1915, nhưng không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, vào ngày 29/1/1916, hai chiếc Zeppelin xuất hiện trên bầu trời mùa Đông xám xịt ở Paris thả bom làm chết 24 người và 30 người khác bị thương.
Lễ tang của những người chết được tổ chức trang trọng vào ngày 7/2/1916, với hàng nghìn người tham dự khiến đường phố Paris tắc nghẽn. Đức Hồng y Leon Adolphe Amette, Tổng giám mục Paris, đã phát biểu điều mà một tờ báo Anh mô tả là “bài diễn văn cảm động”.
Ngài tuyên bố: “Cái chết của họ sẽ giúp ích cho chính nghĩa của nhân loại, tăng thêm chiến đấu mạnh mẽ, làm cho kẻ thù rơi vào tình trạng bất lực, ngăn chặn tội ác của chúng tái diễn”.
Paris đã có thời gian bình lặng vào năm 1917, khi quân Đức chuyển trọng tâm không kích sang London (Anh), sử dụng máy bay ném bom mới nhất, Gotha. Người Pháp biết rằng sẽ đến lượt họ. Nhưng làm sao để tự vệ?
Dự án thành phố giả
Fernand Jacopozzi, kỹ sư điện đã sáng tạo thành phố Paris giả. |
Người nghĩ ra giải pháp bảo vệ Paris trước những trận oanh tạc của máy bay Đức là kỹ sư điện Fernand Jacopozzi. Sinh năm 1877 ở Florentine (Italy), Jacopozzi đến Pháp làm việc tại Triển lãm Quốc tế Paris vào năm 1900, một hội chợ thế giới tôn vinh những thành tựu của thế kỷ trước và kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ diễn ra trong 100 năm tới.
Làm thế nào Jacopozzi tham gia dự án bí mật bảo vệ thủ đô Pháp vẫn chưa rõ. Nhưng vào một thời điểm cuối năm 1917, ông được DCA (Défense contre Avions – Cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ nước Pháp khỏi các cuộc không kích) ủy quyền xây dựng một “Paris giả” nhằm đánh lừa máy bay ném bom Đức.
Nghe có vẻ kỳ quặc đối với những bộ óc thời nay, nhưng kế hoạch này lại có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm đó. Máy bay địch định hướng đến Paris vào ban đêm không phải bằng công nghệ hỗ trợ mà bằng địa hình. Chúng đi dọc theo sông Seine rồi ném bom.
Nhưng sông Seine là một con sông uốn khúc, một khi cắt qua trung tâm Paris, dưới những cây cầu nổi tiếng và các địa danh trong quá khứ như Tháp Eiffel, thì nó sẽ quay trở lại không chỉ một lần mà là hai lần, giống như bướu của một con lạc đà.
Chính tại cái bướu thứ hai trong số những “bướu” này, ở ngoại ô Maisons-Laffitte, người Pháp đã giao Jacopozzi xây dựng một thành phố giả. Ngoài ra, còn có hai “mục tiêu giả” khác: Một khu công nghiệp giả sẽ được tạo ra ở Vaires-sur-Marne, cách thủ đô 16km về phía Đông, trong khi ngoại ô Saint-Denis sẽ được sao chép ở Villepinte vùng Đông Bắc.
Jacopozzi bắt đầu công việc của mình tại Villepinte vào năm 1918, xây dựng bản sao ga xe lửa Gare de l’Est - một trong những ga đông đúc nhất Paris - và thậm chí còn sáng tạo một đoàn tàu đang di chuyển. Dựa trên những nghiên cứu về lĩnh vực chiếu sáng điện, ông đã chế tạo một hệ thống đèn tinh vi trên băng chuyền. Từ trên không nhìn xuống, chúng giống như đoàn tàu đang di chuyển.
Tiếp theo là khu công nghiệp. Jacopozzi đã sử dụng những tấm ván gỗ để làm khung các nhà máy, và dùng những tấm bạt được trang trí nhiều màu sơn khác nhau làm mái nhà. Với sự kết hợp tinh tế giữa các loại đèn có màu trắng, vàng và đỏ, ông đã giả lập ngọn lửa và hơi nước tỏa ra từ một nhà máy trong quá trình sản xuất.
Hai tháng sau khi công trình hoàn thành, chiến tranh kết thúc khiến Jacopozzi không có cơ hội để xem liệu sự khéo léo của mình có qua mặt được các phi công Đức hay không. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp tin rằng họ đã tạo ra một giải pháp phòng thủ quan trọng, trong trường hợp máy bay ném bom của đối phương xuất hiện ở Paris trong một cuộc chiến tranh tương lai.
Một bức màn bí mật đã vén lên đối với “tác phẩm” của Jacopozzi vào năm 1920 khi báo chí Anh nắm được câu chuyện. Tờ Globe đăng tin sốt dẻo vào đầu tháng 10, nhưng chính tờ The Illustrated London News trong ấn bản ngày 6/11/1920 mới thực sự đưa công trình của Jacopozzi ra ánh sáng, trong một bài báo với tiêu đề: “Một Paris giả bên ngoài Paris - ‘thành phố’ được tạo ra để bị đánh bom”. Với những bức ảnh, bản đồ và lời giải thích rõ ràng, tờ báo gọi đây là “những tiết lộ hết sức thú vị”, nhưng không hề đề cập đến tên tuổi của người đứng sau công trình.
Jacopozzi qua đời ở Paris vào năm 1932. “Ông ấy đã thu hút sự quan tâm của thế giới bằng việc chiếu sáng Tháp Eiffel và đã làm được nhiều điều để biến Paris thành Thành phố Ánh sáng”, tờ The People nhận xét về cái chết của ông nhưng không nhắc gì đến sự đóng góp của ông cho nước Pháp trong Thế chiến thứ Nhất, với công trình “Paris giả”.
Jacopozzi được Chính phủ Pháp vinh danh khi trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh về những công lao ông đã đạt được trong những năm 1920. Sau khi chiếu sáng Tháp Eiffel, ông cũng lắp đặt đèn pha trên Quảng trường Concorde và thắp sáng một số địa điểm nổi tiếng khác trong thành phố. Thế giới doanh nghiệp đã phát hiện ra tài năng tiềm ẩn của Jacopozzi và hãng Citroën đã thuê ông tạo một bảng quảng cáo lớn về chiếc ô tô của họ trên Tháp Eiffel.