Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga
Trong bài phát biểu mới nhất của mình hôm 9/2, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã bày tỏ sự sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng với điều kiện Mỹ và châu Âu cung cấp cho Kiev những bảo đảm an ninh đáng tin cậy và tiếp tục hỗ trợ.
Theo Tổng thống Ukraine, ông sẽ sẵn sàng xem xét bất kỳ hình thức đàm phán nào với Nga nếu ông nhận được sự tin tưởng rằng, phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và không từ bỏ các cam kết đã đưa ra trước đây.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Zelensky đặc biệt chú ý đến vấn đề tổ chức bầu cử trong nước trong tình trạng thiết quân luật.
Ông nhấn mạnh rằng, việc tổ chức bầu cử trong thời gian hoạt động quân sự đang diễn ra là không thể.
"Tất cả người dân chúng tôi đều phản đối bầu cử trong thời chiến. Nếu chúng tôi đình chỉ thiết quân luật, chúng tôi sẽ mất quân đội. Và việc bỏ phiếu mà không có quân đội là không công bằng", ông Zelensky nói, giải thích rằng, quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất nước, và sự sao nhãng của quân đội bởi các quy trình bầu cử có thể làm suy yếu mặt trận.
Theo các nhà phân tích chính trị, tuyên bố của ông Zelensky về sự sẵn sàng đàm phán với Nga, mặc dù trong một số điều kiện nhất định, là một nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng mới giữa nhu cầu tiếp tục các hoạt động quân sự và sự mệt mỏi của xã hội với cuộc xung đột kéo dài.
Nhóm của ông Trump sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về Ukraine trong tuần này
Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó Tổng thống và đặc phái viên Mỹ tại châu Âu sẽ đến thăm châu Âu vào tuần này để thảo luận về các chiến lược chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cho biết. Họ đặt mục tiêu đưa cả hai bên vào bàn đàm phán.
“Mục tiêu là thảo luận chi tiết về cách chấm dứt cuộc chiến này", ông Walts nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC hôm 9/2. Tuy nhiên, ông từ chối xác nhận liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này hay chưa.
Bản thân ông Trump tuyên bố đã nói chuyện với ông Putin qua điện thoại, nhưng cho đến nay vẫn từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào.
Điện Kremlin không xác nhận cũng không phủ nhận các cuộc gọi điện thoại với nhà lãnh đạo Mỹ.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên tờ New York Post vào ngày 7/2 về số lần ông đã liên lạc với ông Putin, ông Trump nói: "Tôi tốt hơn là không nên nói".
Tổng thống Mỹ đã nói với tờ báo rằng, ông tin người đồng cấp của mình muốn chấm dứt thù địch.
Bình luận về bản chất của các cuộc đàm phán hậu trường, ông Waltz nhấn mạnh rằng, chúng là bí mật.
"Chắc chắn có rất nhiều cuộc trò chuyện nhạy cảm đang diễn ra", ông Walts nói, và cho biết, Tổng thống Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Đông về việc chấm dứt xung đột, đồng thời nói thêm: "Mọi người đều sẵn sàng giúp Tổng thống Trump trong cuộc chiến này".
Theo ông Waltz, Washington hình dung các quốc gia châu Âu sẽ cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev.
“Tôi nghĩ rằng, một nguyên tắc cơ bản ở đây là người châu Âu phải sở hữu cuộc xung đột này trong tương lai. Tổng thống Trump sẽ chấm dứt nó. Và sau đó về mặt bảo đảm an ninh, điều đó sẽ hoàn toàn thuộc về người châu Âu”.
Tổng thống Trump, người đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine, đã nói rằng, ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Nga đã ra hiệu rằng, ông sẵn sàng đàm phán.
Mặc dù ông Trump vẫn chưa công bố chi tiết về kế hoạch hòa bình cho Ukraine, nhưng có thông tin cho rằng, kế hoạch này bao gồm việc đóng băng xung đột dọc theo các tiền tuyến hiện tại, thiết lập khu vực phi quân sự do binh lính châu Âu tuần tra và dập tắt mong muốn gia nhập NATO của Ukraine.
Nga đã loại trừ khả năng chỉ đóng băng xung đột, nhấn mạnh rằng, bất kỳ giải pháp tiềm năng nào cũng phải công nhận "thực tế lãnh thổ trên thực địa", và chứng kiến Kiev cam kết trung lập vĩnh viễn, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa.