Ông Zelensky tiên đoán đúng khi IRIS-T bị phẫu thuật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trang War Zone vừa công bố đoạn video ghi cảnh phá hủy IRIS-T - tổ hợp phòng không của Đức nhưng từng bị Tổng thống Zelensky chê vô dụng.

Đài radar của IRIS-T sau khi bị trúng đạn.
Đài radar của IRIS-T sau khi bị trúng đạn.

Hình ảnh video từ máy bay không người lái (UAV) của Nga cho thấy quá trình hệ thống phòng không IRIS-T của Ukraine bị phát hiện và tập kích. Thời gian diễn ra vụ việc không được tiết lộ, nhưng báo Mỹ cho rằng tổ hợp được triển khai ở tiền tuyến tại Kherson.

Trong video, xe chở đạn kiêm bệ phóng, cùng radar đa chức năng TRML-4D của IRIS-T và nhiều xe tải hậu cần bị UAV trinh sát Nga phát hiện khi ẩn nấp trong lùm cây.

Điều đặc biệt là đài radar TRML-4D màu sáng nổi bật giữa các tán cây, nhiều khả năng là họa tiết ngụy trang kiểu sa mạc và không được sơn lại trước khi Đức cung cấp cho phòng không Ukraine.

Màn tấn công do UAV tự sát Lancet thực hiện. Hình ảnh sau đó cho thấy khói bốc lên và đài radar vỡ thành nhiều mảnh, nhiều binh sĩ Ukraine cũng bỏ chạy khỏi hiện trường.

Một số đám khói cũng xuất hiện quanh đài radar sau đó nhưng không rõ có phải do phía Nga tấn công hay không.

Chuyên gia Joseph Trevithick viết trên tờ War Zone rằng: "Ukraine sở hữu rất ít radar TRML-4D, khả năng là chỉ có một hoặc hai đài như vậy. Đòn tập kích cho thấy tầm quan trọng của các tổ hợp phòng không được phương Tây chuyển cho Ukraine, cũng như nỗ lực vô hiệu hóa chúng từ phía Nga".

Tổ hợp IRIS-T có tầm bắn xa 40 km và đủ sức bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước các cuộc tấn công từ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái hay tên lửa.

Đây được coi là một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất của Ukraine, giúp nước này lấp khoảng trống phòng thủ sau khi nhiều tổ hợp S-300 và Buk-M1 bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Mỗi tổ hợp gồm một xe chỉ huy, một đài radar đa năng cùng ba xe phóng với tối đa 24 quả đạn sẵn sàng chiến đấu. Radar TRML-4D có thể theo dõi tối đa 1.500 mục tiêu với tầm hoạt động lý thuyết 250 km và đủ sức bám bắt tiêm kích ở khoảng cách trên 120 km.

Dù IRIS-T được giới thiệu có thể tạo nên chiếc ô phòng thủ vững chắc cho khu vực được bảo vệ nhưng một thời gian ngắn sau khi đến Ukraine, tổ hợp phòng không do Đức chuyển giao này đã bị Tổng thống Zelensky chê 'vô dụng'.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm 29/3, ông Zelensky đã nhắc lại yêu cầu của Ukraine về các vũ khí hiện đại hơn đã được phương Tây hứa hẹn chuyển giao nhưng vẫn chưa thấy.

"Trong khi phòng không của Ukraine đang yếu và thiếu, một số nước châu Âu lại gửi hệ thống phòng không không hoạt động và Kiev phải gửi trả nhiều lần nhưng vẫn không hiệu quả", ông Zelensky cho biết.

Nguyên thủ Ukraine cũng nhắc lại yêu cầu từ lâu về việc chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại. Ba Lan và Slovakia đã quyết định gửi cho Ukraine các tiêm kích cũ, nhưng chưa có quốc gia phương Tây nào cung cấp cho Kiev các chiến đấu cơ hiện đại dù đã hứa hẹn nhiều lần.

Theo trang Defense News của Mỹ, trong số ít vũ khí đánh chặn đã được phương Tây chuyển cho Kiev, hầu hết chúng chưa lập được thành tích nào trong xung đột với Nga.

Tổ hợp IRIS-T bị UAV Nga phá hủy.

Theo thống kê của báo Mỹ, hiện nay Ukraine đang vận hành hệ thống đánh chặn tầm ngắn Gepard và IRIS-T SLM do Đức sản xuất, hệ thống Stormer HVM từ Anh, hệ thống Aspide từ Tây Ban Nha, hệ thống Crotale NG từ Pháp và hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Dù tất cả những hệ thống phòng không này đều được nhà sản xuất giới thiệu có khả năng đánh chặn rất tốt nhưng kể từ khi xuất hiện tại Ukraine đầu năm 2023, hầu như chúng chưa lập được thành tích đáng kể nào trong xung đột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...