“Ông vua” gà chín cựa của núi rừng Tân Sơn

GD&TĐ - Nói không quá khi gọi ông Bàn Xuân Lâm (Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn) là ông vua nuôi loài gà chín cựa lạ và hiếm. Tương truyền đây là giống gà quý mà vị núi thần Sơn Tinh đã cất công về tận núi này mang về dâng vua Hùng để cầu hôn Mỵ Nương. 

“Ông vua” gà chín cựa của núi rừng Tân Sơn

Giống gà này được người dân bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, tôn là “gà chúa”, để giữ gìn giống gà quý này không thể không kể đến công của ông Lâm.

Người “phục dựng” tên tuổi giống gà quý hiếm

Bản Cỏi nằm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Sơn, giờ không còn heo hút như những năm trước đây nữa. Con đường bê tông xuyên rừng, uốn lượn như dải lụa mềm nối bản Cỏi với trung tâm xã. Trong cái rét tê tái cuối năm, ông Bàn Xuân Lâm tiếp chúng tôi với nụ cười tươi rói. Vốn là người hiếu khách, ông đã chiêu đãi chúng tôi món gà chín cựa quý hiếm ở đây.

Ông Lâm nói: “Đã lên đến đây là phải ăn gà chín cựa thì mới biết tại sao nó quý và hiếm như vậy!”.

Được thưởng thức món gà quý, thơm ngon trong một chiều đông nơi sơn cước quả là thanh tao và thi vị, nhất là được nghe những lời tâm sự rất chân thành của ông Lâm - người đã gắn bó với giống gà này lâu năm và ông chính là nhịp cầu nối đưa giống gà này đến với du khách miền xuôi.

Kể về “nhân duyên” với giống gà quý, ông Lâm tâm sự: “Cách đây khoảng 20 năm về trước, tôi nghe già làng kể lại có một giống gà lông màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà mà bay như chim. Đặc biệt chân giống gà này lại có chín ngón, chen chúc trên khẩu chân ngắn và rất nhỏ”.

Trên thực tế, gà chín cựa này chân rất to và chắc, mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Gà có đầy đủ 9 cựa thì khá hiếm và rất quý, chủ yếu là gà 7 - 8 cựa. Gà 9 cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3 - 4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành.

Để nuôi được một chú “gà chúa” là cả một hành trình dài. Nhân được giống gà quý, nhưng trong mỗi gia đình người Dao nơi đây cũng chỉ nuôi vài con, chủ yếu giải quyết nguồn thức ăn của gia đình. Khách du lịch đến vườn Quốc gia Tân Sơn không ai là không ghé nhà ông Bí thư xã, mối nhân duyên gắn kết với miền xuôi nảy sinh từ đó.

Nhịp cầu nối với khách miền xuôi

Ông Lâm tâm sự: “Trước kia khi đường sá còn khó khăn, người miền xuôi không lên được trên này nên gà chín cựa chỉ là giống gà được thịt trong những ngày lễ quan trọng của người Dao như lập tuổi, cúng bản, cấp sắc… Từ khi đường sá được mở rộng đến Xuân Sơn, gà chín cựa mới thu hút khách miền xuôi”.

Một người khách mua, rồi nhiều người khách mua... khiến ông trở thành “ông vua” gà chín cựa lúc nào cũng không hay.

Ông hay nói đùa rằng: “Tôi không có đứa con gái nào như Mỵ Nương mà cũng được các rể dâng toàn gà chín cựa”. Mối khách càng lớn, giá gà càng tăng, những ngày giáp Tết phải từ 400.000 - 500.000 đồng/kg mà ông không có để bán. Những ngày thường thì giá dao động khoảng 200.000 đồng/kg, “cầu” thì nhiều nhưng “cung” thì khó bởi giống gà này rất khó nuôi, nên bao năm số gà chín cựa ở bản Cỏi vẫn không tăng là bao.

Ông vua gà chín cựa rồi ông chủ nhà nghỉ, ông Lâm nói: “Khách đến đây tham quan ngày càng đông, họ không có chỗ ngủ, tôi thương cho họ ngủ nhờ rồi dần dần họ giới thiệu nhau đến nhà tôi tới tấp, nên tôi đã phải xây dựng thêm nhà nghỉ để cho khách nghỉ ngơi, giá mỗi ngày là 150.000 đồng”.

Gà ngon lại phải có rượu, ông đã trồng thêm 1ha ngô tẻ để làm rượu ngô, làm cho nhà uống rồi dân tình và khách miền xuôi thấy ngon họ lại mua. Nếu là tháng giáp Tết ông phải xuất 3.000 lít, còn tháng bình thường thì ông xuất khoảng 1.500 - 2.000 lít, giá là 30.000 đồng/lít.

Bã ngô thải ra ông lại nuôi lợn, hiện nay nhà ông có ba con lợn chuyên để ăn bã ngô và thức ăn thừa. Với mô hình khép kín như vậy, ông Bí thư đã trở thành hộ kinh doanh điển hình trên bản Cỏi.

Trong niềm tự hào, ông tâm sự: “Cũng nhờ gà chín cựa mà tôi nuôi được ba người con ăn học tử tế, một đứa học Học viện an ninh, đứa nữa làm Hiệu trưởng trường mầm non, đứa còn lại làm ở bệnh viện huyện, cuộc sống cũng đủ ăn và no ấm”.

Mong rằng nhờ giống gà chín cựa mà cuộc sống của người dân bản Cỏi bớt khó khăn hơn, trẻ em được đến trường học và người dân không còn tình trạng đói ăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ