Ông Trump rút quân khỏi Syria: Một quyết định gây choáng

GD&TĐ - Phớt lờ mọi lời can gián, Tổng thống Donald Trump cương quyết yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi Syria trong thời gian ngắn nhất - một quyết định gây choáng váng cho giới quân sự, các nhà lập pháp cũng như những đồng minh, nhưng thể hiện sự nhất quán trong triết lý “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Lính Mỹ đang giám sát tại một cứ điểm của liên quân ở Manbij (Syria) ngày 1/11/2018
Lính Mỹ đang giám sát tại một cứ điểm của liên quân ở Manbij (Syria) ngày 1/11/2018

Nhất quán triết lý “nước Mỹ trên hết”

Các quan chức và người dân Mỹ từ lâu đã biết về ý tưởng này của Tổng thống, nhưng không khỏi bất ngờ khi nó vừa trở thành một quyết định chính thức được ban hành hôm 19/12. Rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc Mỹ rút lui sẽ trao lại quyền lực ở Syria cho Nga và Iran, đồng thời mở ra cơ hội trỗi dậy cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong mấy tuần gần đây, các trợ lý hàng đầu đã cố gắng thuyết phục ông Trump, phân tích cho ông về những mối lo ngại nói trên. Gạt bỏ tất cả, ông Trump quyết thực thi ý tưởng của mình, với quyết tâm thực hiện một trong những lời hứa quan trọng nhất mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016: Hạn chế sự can dự của quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Động thái này, cộng hưởng với sự bác bỏ trước đó của ông Trump đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran hay Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, là một chuỗi những bước đi kiên định cho triết lý “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump đã đưa ra. Một cựu quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói rằng quyết định của Tổng thống về cơ bản đã được đưa ra từ hai năm trước. Sau khi đã quan sát và lắng nghe mọi lời khuyên có trọng lượng nhất, ông tự kết luận rằng không có lý do gì để giữ quân đội Mỹ ở lại Syria.

Phần thắng đã thuộc về ông Trump, dù các cố vấn cấp cao, các chỉ huy quân đội hay các nhà lập pháp cực lực phản đối. Quan điểm của ông ngay từ đầu là cần phải rút quân. Cũng theo cựu quan chức này, trong các cuộc họp với các cố vấn hàng đầu, ông Trump luôn đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đang làm gì ở đó? Tôi biết chúng ta ở đó để chiến đấu với IS, nhưng chúng ta cơ bản hoàn thành điều đó. Bây giờ thì sao?”.

Dĩ nhiên ông Trump hiểu, nhưng không chấp nhận những lập luận của các cố vấn cấp cao rằng quân đội Mỹ không ở trên chiến tuyến, chỉ có 2.000 binh sĩ với vai trò cố vấn và hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chống IS. Quan điểm của ông rất rõ ràng: Rời khỏi Raqqa (nơi Mỹ đang có căn cứ huấn luyện cho lực lượng chống chính phủ ở đó) và các thành trì khác mà IS đã bị đánh đuổi.

“Các đơn vị đội quân mà chúng ta có ở Syria không phải để chống lại Iran. Họ ở đó để tiêu diệt và truy đuổi các tay súng của IS” - một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết - “Vì vậy, tôi nghĩ rằng Tổng thống đã hoàn toàn có lý khi ông đánh giá rằng nhiệm vụ đã kết thúc”.

Tranh cãi gay gắt

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết dư luận ở Lầu Năm Góc thống nhất rằng Nga và Iran là hai nước hưởng lợi lớn nhất từ quyết định của ông Trump. Cả hai nước này đều hỗ trợ tích cực cho chính phủ Syria để tấn công các lực lượng nổi dậy cũng như IS, qua đó củng cố vị thế cũng như sự ảnh hưởng của mình trong khu vực. Chưa kể, nhờ can thiệp sâu vào tình hình Syria, đã tạo cơ hội cho Iran trang bị và tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng Hezbollah của Lebanon để sử dụng chống lại Israel.

Một quan chức quốc phòng khác, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết các chỉ huy quân đội Mỹ đã bày tỏ quan ngại với chính quyền về việc rút quân nhanh chóng có thể gây tác động xấu đối với các lực lượng nổi dậy, vốn được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn để (trên danh nghĩa) chống lại IS.

Cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, ông Jack Keane - nhân vật được coi là ứng cử viên có thể kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis - viết trên Tweet rằng với yêu cầu về một lộ trình rút quân sớm, ông Trump đã mở ra cơ hội cho IS trỗi dậy từ những điểm trú ẩn co cụm trên sa mạc hẻo lánh hiện nay ở Syria. Sự hiện diện ngày càng lớn của Nga đã đành, Iran cũng sẽ vươn tầm ảnh hưởng và rồi sẽ sớm có tiếng nói quyết định ở Syria. Khi đó, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông là

Israel thực sự lâm nguy.

Giống như các chuyên gia khác, Keane - một nhà phân tích của Fox News, nói rằng bằng cách rút quân, ông Trump sẽ từ bỏ vai trò của Washington trong việc định đoạt cuộc chiến ở Syria, đồng thời giảm vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Đồng ý với quan điểm này, Charles Lister - một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Đông, nói rằng Mỹ hoàn toàn có thể điều tiết chiến lược của mình ở Syria, nhưng việc thực thi chính sách của chính quyền Trump ở khu vực này mới quan trọng, nhất là khi có sự hiện diện của yếu tố Iran. Theo ông, Syria chính là “viên ngọc quý” trong chiến lược khu vực của Iran. Việc quân đội Mỹ quyết rời khỏi Syria chính là tự nguyện trao “viên ngọc quý” này cho đối thủ.

Đồng minh bất an

Các nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều phàn nàn rằng họ không được thông báo trước, cho đến khi Tổng thống đưa ra yêu cầu về một lộ trình rút quân sớm - đồng nghĩa với một quyết định về việc rời bỏ Syria. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Jeff Flake - một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters rằng trong bữa ăn trưa với Phó Tổng thống Mike Pence mới đây, các thượng nghị sĩ của Ủy ban đã bày tỏ sự thất vọng của họ về quyết định từ Tổng thống.

Một quan chức hàng đầu của Pháp, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết họ đang cố tìm hiểu chính xác ý nghĩa của thông báo từ Nhà Trắng; đồng thời đang phân tích xem quyết định rút quân của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự tham gia của Pháp trong các hoạt động của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chống lại IS ở Syria hiện nay.

“Nếu đây là thực sự là quyết tâm của người đứng đầu nước Mỹ, thì đó là một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng tôi, cả với người Anh nữa. Hoạt động quân sự ở Syria sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Liên quân không thể hoạt động mà không có Mỹ”, quan chức này nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ