Ông Putin ký sắc lệnh cấm sử dụng các công cụ bảo mật của nước ngoài

GD&TĐ - Bắt đầu từ năm 2025, các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước của Nga sẽ bị cấm sử dụng các công cụ bảo mật thông tin do các ‘quốc gia không thân thiện’ sản xuất.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Hôm qua (1/5), Tổng thống Nga Putin đã ký một đạo luật nhằm tăng cường an ninh thông tin của đất nước. Tài liệu đã được công bố trên trang web của chính phủ nói rằng các thực thể do nhà nước kiểm soát sẽ bị cấm sử dụng công cụ bảo mật thông tin có nguồn gốc từ “các quốc gia nước ngoài thực hiện các hành động không thân thiện chống lại Liên bang Nga, các pháp nhân hoặc cá nhân Nga” hay do các nhà sản xuất được kiểm soát hoặc liên kết với các nước “không thân thiện”.

Danh sách các thực thể chịu sự điều chỉnh của sắc lệnh bao gồm các cơ quan và tổ chức chính phủ và khu vực, quỹ nhà nước, các công ty do nước ngoài kiểm soát, các tổ chức quan trọng về mặt chiến lược và “các pháp nhân là chủ thể của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Liên bang Nga”.

Nghị định trên ra lệnh cho người đứng đầu các đơn vị được đề cập giao trách nhiệm an ninh mạng cho cấp phó của họ và thành lập các bộ phận chuyên trách, có nhiệm vụ ngăn chặn và loại bỏ hậu quả của các cuộc tấn công mạng và ứng phó với “sự cố máy tính”.

Việc công bố sắc lệnh được đưa ra chỉ vài ngày sau khi khi Nikolai Lishin, Phó cục trưởng Cục hệ thống thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, so sánh sự hiện diện của phần mềm nước ngoại tại Nga với “xe tăng của kẻ thù”.

Vài năm gần đây, các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tin tặc nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, các tổ chức chính trị, ngân hàng và cơ sở y tế. Moscow đã kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc như vậy.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ