Trong tuyên bố của mình, ông Medvedev đảm bảo rằng giới lãnh đạo đất nước đang hành động một cách hợp lý và không bị hướng dẫn bởi những động cơ phi lý.
“Chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra. Không có người nào trong giới lãnh đạo Nga bị mất kiểm soát”, ông Medvedev lưu ý.
Lời nói của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh được đưa ra trong bối cảnh quốc tế lo ngại về những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga và căng thẳng gia tăng trong chính trị toàn cầu.
Bất chấp những nguy cơ leo thang còn tồn tại, chính quyền Nga nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân chỉ được coi là một công cụ răn đe chiến lược.
Ông Medvedev cũng nói thêm rằng Moskva vẫn ủng hộ sự ổn định toàn cầu và coi bất kỳ trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều là không thể chấp nhận được.
Răn đe hạt nhân vẫn là một trong những chủ đề cốt lõi của chương trình nghị sự địa chính trị hiện đại, và các tuyên bố của ông Medvedev, như các nhà quan sát lưu ý, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình những cuộc đối thoại tiếp theo.
Nhưng bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng cho rằng phương Tây đã chuyển từ cuộc chiến hỗn hợp sang đối đầu toàn diện với Nga. Ông Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố này sau khi Washington cho phép Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
“Điều này làm thay đổi tiến trình của cuộc đụng độ quân sự và những gì đang xảy ra, vì nó cho thấy rằng khối NATO, Washington và các thành viên khác của liên minh này, trên thực tế, không còn tham gia vào một cuộc chiến hỗn hợp nữa, mà thực sự là một cuộc chiến toàn diện chống lại đất nước chúng ta”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Ông Medvedev lưu ý rằng hành động của các nước phương Tây và đồng minh đang làm gia tăng sự leo thang của cuộc xung đột và sẽ bị Nga đáp trả. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh không nêu chi tiết các bước trả đũa có thể xảy ra.
Giới chuyên gia lưu ý rằng việc cho phép sử dụng tên lửa tầm xa như ATACMS và Storm Shadow làm tăng đáng kể mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng của Nga ở sâu trong hậu phương. Quyết định này đang gây lo ngại cho cả Moskva và quốc tế vì làm tăng nguy cơ xung đột hơn nữa.
Điện Kremlin nhiều lần nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Kyiv và cho phép sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu của Nga khiến NATO bị xem là trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Những bước đi như vậy bị Moskva coi là hành động khiêu khích nhằm gây bất ổn tình hình và tiếp tục xảy ra tình trạng thù địch.