Ống hút phân hủy sinh học từ cỏ bàng

GD&TĐ - Green Joy - startup Việt cung cấp ống hút và đồ dùng có thể phân hủy sinh học vừa giành ngôi quán quân cuộc thi khởi nghiệp quốc tế Viet Challenge 2021 với phần thưởng 15.000 USD.

Cây cỏ bàng được trồng nhiều ở miền Tây, đặc biệt là tỉnh Long An.
Cây cỏ bàng được trồng nhiều ở miền Tây, đặc biệt là tỉnh Long An.

Tự phân hủy sau 4 - 6 tuần

Đau đớn và day dứt khi nhìn thấy hình ảnh một nhà nghiên cứu về biển lấy một chiếc ống hút nhựa mắc trong mũi một chú rùa ở Costa Rica, chị Võ Quốc Thảo Nguyên (Long An) và những người đồng hành đã nhen nhóm ý tưởng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để thay thế ống hút nhựa.

Chị Thảo Nguyên chia sẻ, mỗi ngày, tại Mỹ có khoảng 5 triệu chiếc ống hút nhựa bị vứt bỏ. Mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Nhưng chỉ có 9% được tái chế. Nhằm thay thế hoàn toàn ống hút nhựa, chị Thảo Nguyên đã nghiên cứu phương pháp xử lý cỏ bàng để sản xuất ra ống hút cỏ. Và từ đây, thương hiệu ống hút cỏ bàng - Green Joy ra đời.

Cỏ bàng (còn gọi là cây bàng, cây cói) thường mọc trên vùng đất nhiễm phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ lâu, nông dân ở đây đã biết sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn này để chế tác thành các vật dụng thủ công mỹ nghệ như đan đệm, chiếu, giỏ xách, nón, lợp nhà…

Ngoài ra cỏ bàng còn là nguồn thức ăn quý giá cho loài sếu đầu đỏ, loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc trồng, sản xuất và bảo tồn các cánh đồng cỏ bàng giúp bà con nông dân giữ vững vùng đất nguyên thủy này và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và các sinh vật quý hiếm.

90% quy trình sản xuất ống hút cỏ của Green Joy được tự động hoá, sử dụng năng lượng Mặt trời giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ điện, nước và đặc biệt là lượng khí thải carbon ra môi trường ở mức thấp nhất.

Quy trình tạo ra một ống hút cỏ phải trải qua các bước sau: Thu hoạch cỏ và bán cho cơ sở sản xuất, cắt thành ống nhỏ có chiều dài từ 18 - 20cm, thông ống, sấy và tiệt trùng. Ống hút cỏ tươi thì gói trong lá chuối còn ống hút cỏ khô thì gói bằng bao giấy.

Khoảng thời gian đầu mới tiếp cận thị trường, ống hút cỏ của chị Nguyên không được chào đón. Tuy nhiên sau khoảng 2 - 3 tháng, mọi người bắt đầu tò mò về sản phẩm và đặt mua nhiều.

“Thời gian đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng ống hút cỏ. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, tổ chức phi chính phủ nên được nhiều người biết đến và ủng hộ”, chị Nguyên tâm sự.

Green Joy đã hợp tác với nông dân, các phòng thí nghiệm đại học, và nhiều tổ chức môi trường để phát triển và đưa sản phẩm của mình ra thị trường nhằm “giải quyết nỗi đau ô nhiễm rác thải nhựa” và giúp cải thiện sinh kế cho nông dân và người dân địa phương.

Với giải pháp này, nông dân miền Tây có thêm việc làm và thu nhập từ việc trồng cỏ. Nếu như trước đây, người dân bán một bó cỏ bàng tươi giá chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng nhưng khi bán cho dự án của Thảo Nguyên thì mỗi bó sẽ được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng.

Đưa cỏ Việt Nam ra thế giới

Sản phẩm ống hút cỏ tươi.

Sản phẩm ống hút cỏ tươi.

Ống hút cỏ của Green Joy được sản xuất theo chu trình khép kín và được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA (Mỹ) và CE (châu Âu). Công ty đã bán được hơn 30 triệu ống hút tại Việt Nam và các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Nhật Bản. Ngoài ra, họ cũng có những sản phẩm từ cỏ bàng như đế lót ly, giỏ đựng, tấm trải bàn...

70% quy trình sản xuất của Green Joy đã được tự động hóa và dựa vào năng lượng Mặt trời để giảm tiêu thụ điện và nước. Theo Nguyễn Võ Thảo Nguyên, công ty sẽ đưa công nghệ AI vào quy trình phân loại đầu vào, nhằm tự động hóa hoàn toàn quy trình sản xuất trong thời gian tới.

Việc phát triển các sản phẩm từ cỏ bàng của Green Joy đã đem lại lợi ích cho cộng đồng ở vùng nguyên liệu Long An. Hơn 100 nông dân và người dân địa phương đã tham gia vào sản xuất. Điều này đã giúp họ tăng thu nhập gấp 3 lần so với trước kia và tạo thêm công ăn việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là những người nội trợ.

Hiện nay, Green Joy đã có doanh thu hơn 800 nghìn USD/năm. Startup này đã từng thu hút được sự quan tâm của cả 3 nhà đầu tư tại Shark Tank Việt Nam 2019 và khép lại thương vụ với thỏa thuận đầu tư 4 tỷ đồng cho 33% cổ phần của Shark Liên.

Trong vòng chung kết Vie Challenge 2021, bên cạnh Green Joy, còn có 4 đội thi khác bao gồm: Nerman (ứng dụng AI chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho nam giới), Nobee (hệ thống quản lý bán lẻ bất động sản), RecyGlo (dịch vụ tái chế pin) và Rostek (sử dụng robot và xe tự hành cho sản xuất).

VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho các đội khởi nghiệp Việt hoặc có đồng sáng lập người Việt trên khắp thế giới, nhằm kết nối các startup với các chuyên gia và nhà đầu tư tại Mỹ.

“Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển tại Hạ Long trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ làm việc với bộ ban ngành ở Hạ Long, cùng với Hội liên hiệp phụ nữ để đưa ống hút cỏ này ra vịnh Hạ Long – nơi đã cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Đặc biệt, chúng tôi sẽ bán cho chuỗi nhà hàng khách sạn, du thuyền xanh, đóng gói tiện dụng để thay thế hẳn ống hút nhựa”, Thảo Nguyên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.