"Ông bố quốc dân": Thông điệp nhân văn từ màn ảnh Việt

GD&TĐ - Hình ảnh người cha trên màn ảnh Việt đang trở thành điểm nhấn khó quên qua nhiều bộ phim truyền hình. Nhiều người được gọi là “ông bố quốc dân” của màn ảnh.

Phim “Về nhà đi con”.
Phim “Về nhà đi con”.

Truyền tải tình yêu thương

Phim Việt hiện nay có nhiều dự án mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục về tình cảm gia đình. Trong đó có hình ảnh những ông bố “gà trống nuôi con” nên người. Dù là trên màn ảnh nhưng những lời dạy con cái của họ lại rất dung dị, đời thường.

Có người thể hiện tình cảm qua đôi mắt. Dù nói ít thôi nhưng luôn sẵn sàng dang tay đón con trong “Về nhà đi con”. Cũng có ông bố, thương con bằng cách dõi theo từng bước chân để bảo vệ, che chở như “Hương vị tình thân”. Và còn là hình ảnh ông bố “dùng mưu” để dạy bảo con như “Lối về miền hoa”.

Họ có một điểm chung là đều cảnh “gà trống nuôi con”. Họ không chỉ làm cha mà còn phải làm mẹ. Thế nên tình yêu thương con lại càng truyền tải mạnh mẽ đối với khán giả. Bởi vậy, họ được gọi là “ông bố quốc dân” của màn ảnh Việt.

Phim “Lối về miền hoa”.

Phim “Lối về miền hoa”.

Ông Lâm do diễn viên Thanh Bình đóng ở “Lối về miền hoa” là một hình mẫu cho nhiều ông bố hiện đại. Trên trang fanpage của phim, nhân vật này được khen ngợi không ngớt. Không chỉ đơn thuần là cách diễn chân thật, tự nhiên của Thanh Bình mà còn là sự ngưỡng mộ đối với người đàn ông hơn 20 năm góa vợ, nuôi con một mình.

Nhiều khán giả cho rằng, người có tiền bạc, của cải, lại tinh tế như ông Lâm sẽ chẳng thiếu “bóng hồng” vây quanh. Thế nhưng, cũng vì con, ông ở vậy. Ông chăm sóc, nuôi dạy con một mình và cũng vì con nên ông muốn tìm một người thực sự phù hợp để cùng gây dựng một mái nhà.

Đúng như con trai ông từng tâm sự, nếu ông Lâm mà không yêu mẹ anh, ông đã lấy vợ hai từ rất lâu rồi. Điều đó cho thấy, thời gian cũng chính là cách để ông bố này cho con hiểu và chấp nhận những thay đổi mới, nhất là khi ông sẽ đi bước nữa.

Không chỉ là người cha hết mực vì con, ông còn lo lắng cho con từ miếng ăn, giấc ngủ. Vắng bóng mẹ từ nhỏ, ông hiểu con trai cảm thấy cô đơn ra sao. Cách duy nhất mà ông có thể làm là tạo điều kiện để con làm ăn. Mặc dù người ngoài nhìn vào sẽ hiểu rằng ông chiều con quá mức.

Có cương có nhu, ông Lâm là hình mẫu được nhiều người yêu quý. Từ đó để thấy, cách xây dựng nhân vật trên màn ảnh cũng góp phần không nhỏ trong việc truyền thông điệp giáo dục về tình cảm, các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và sự gắn kết với xã hội.

Đề cao tính bao dung

Phim “Hương vị tình thân”.

Phim “Hương vị tình thân”.

16 năm xa rời màn ảnh nhỏ, lý do NSƯT Võ Hoài Nam trở lại để tham gia vào phim “Hương vị tình thân”, chính là vì tình yêu mà nhân vật ông Sinh dành cho con gái Phương Nam (Phương Oanh đóng). Anh tâm sự khi nhận vai diễn ông Sinh: “Các con tôi rồi cũng sẽ lớn như Phương Oanh, rồi chúng đi lấy chồng, đi lấy vợ thì lúc đó tôi muốn tìm hình bóng chúng nó ở đâu?”.

Khác với ông Lâm, ông Sinh khổ đủ đường. Cái khổ đấy cũng là vì để bảo vệ con nên vô tình bị vu oan tội giết người, chịu cảnh ngồi tù 20 năm. Ra tù, vì muốn bảo vệ hình ảnh và an toàn cho con gái, ông Sinh không dám nhận là bố, chỉ còn cách trở thành một người bạn ở bên con những lúc gian nan.

Khi con gái lấy chồng, quá khứ của một kẻ tù tội không cho phép ông đến lễ cưới, chỉ dám đứng đằng xa nhìn con tìm thấy bến đỗ cuộc đời. Đã từng có lúc, ông nghĩ nếu mình không tồn tại trên đời này, con gái sẽ không bị người ta khinh thường đến vậy.

Hình ảnh ông Sinh cho thấy một ông bố không còn gì khổ sở hơn. Ông có thể nhịn nhục đủ điều nhưng nếu ai làm ảnh hưởng đến con gái, ông sẽ bất chấp tất cả để bảo vệ.

Nam tài tử cũng thừa nhận vai ông Sinh là vai diễn khiến anh “tốn nhiều nước mắt” nhất. Anh cho rằng, sau 16 năm vắng bóng, có lẽ những giọt nước mắt tiếc nuối của cả 16 năm đó đã đổ dồn lần trở lại này. Các phân đoạn khó không hề có thoại nhưng lại nghiêng về cảm xúc luôn được Võ Hoài Nam đẩy lên cao trào và được người xem khen ngợi hết lời.

Khán giả bình luận: “Thật sự xúc động xem hình ảnh ông Sinh trên phim. Võ Hoài Nam đã lâu không quay trở lại màn ảnh, nay thấy anh diễn quá đỉnh. Diễn mà như không diễn, cảm xúc của anh toát lên từ giọng nói thoại…”.

Nhắc đến hình tượng ông bố “quốc dân”, vai ông Sơn trong “Về nhà đi con” của NSND Trung Anh khiến khán giả ngưỡng mộ vì mọi thứ đều gần như hoàn hảo. Một mình nuôi con đã khó, nay ông còn tự tay chăm sóc hẳn 3 cô con gái.

Chính vì có tận 3 đứa con, nên trách nhiệm với con của ông Sơn cũng trở nên nặng nề hơn vì chẳng biết chia sẻ cho ai. Chị cả Huệ (Thu Quỳnh) lấy phải người chồng vũ phu, chị hai Thư (Bảo Thanh) lỡ tình một đêm, đành phải cưới khi mang thai, rồi em út Dương (Bảo Hân) với những suy tư và nổi loạn của tuổi mới lớn…

Nhiều khi khán giả không khỏi nghĩ rằng, ông Sơn phải là con người có “thần kinh thép” vì bằng này tuổi vẫn phải lo lắng, bảo vệ các con giữa muôn vàn biến cố cuộc đời. Chỉ cần con mình được hạnh phúc, được yêu thương, ông Sơn sẽ làm tất cả.

Xuyên suốt bộ phim là các mối quan hệ tình cảm như tình chị em, tình vợ chồng, nhưng nổi bật nhất vẫn là tình yêu thương vô bờ bến của bậc sinh thành dành cho con cái. Cho dù con có vấp ngã, sai lầm vẫn luôn bao dung, che chở mà nói: “Về nhà đi con”.

Từ làn sóng này, “Về nhà đi con” không chỉ đem về hàng loạt thành tích ấn tượng mà quan trọng hơn là được khán giả đón nhận tích cực. Có lẽ, đó mới chính là thành công của cả ê-kíp làm phim. Thậm chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng tặng Bằng khen cho đoàn làm phim vì sự đóng góp tích cực cho sự phát triển của truyền hình nước nhà.

Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó cho biết, việc Bộ khen thưởng một phim truyền hình là chưa từng có tiền lệ. Và việc trao tặng này dựa trên giá trị nội dung chứ chưa bàn đến tính nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.