Ông bố gốc Việt chia sẻ cách chọn đại học hàng đầu ở Mỹ

Để đánh giá chất lượng đại học, ngoài dựa vào bảng xếp hạng, phụ huynh cần tìm hiểu về điểm ACT/SAT vào trường, tỷ lệ chấp nhận hay nhập học.

Ông bố gốc Việt chia sẻ cách chọn đại học hàng đầu ở Mỹ

Dành nhiều năm nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học của Mỹ, đưa ra lời khuyên giúp con gái trúng tuyển 20 đại học, trong đó có năm trường "danh giá", anh Alan Lê (49 tuổi, bang Mississippi, Mỹ) có một số kinh nghiệm đánh giá trường đại học ở Mỹ.

Thứ nhất là dựa vào các bảng xếp hạng uy tín. Hiện, có nhiều hệ thống đánh giá được công nhận rộng rãi như QS, THE, US News & World Report, hay nhiều bảng xếp hạng nhỏ của Stanford, châu Âu. Mỗi bảng đều có độ chênh nhất định do tiêu chí đánh giá, trọng số khác nhau.

Anh Alan cho biết phụ huynh Mỹ sùng bái hệ thống đánh giá của Mỹ là US News & World Report. Tuy nhiên, khi đi nhiều nước và nghiên cứu về các hệ thống, anh Alan thấy QS hợp lý hơn. Thế nên khi dựa vào bảng xếp hạng để đánh giá một trường, phụ huynh cần tham khảo đa dạng, kết hợp các bảng xếp hạng, chú ý trọng số, tiêu chí theo mối quan tâm của mình.

Yếu tố thứ hai cần chú ý khi chọn trường hàng đầu (top 20 của Mỹ) là phải nhìn vào điểm ACT và SAT xét tuyển vào trường. Anh Alan nhận định những trường có tỷ lệ học sinh trúng tuyển có điểm ACT từ 34 trở lên (tối đa là 36) mới là xuất sắc, mức 30 đến 33 là loại tốt. Ví dụ Đại học Harvard là trường xuất sắc khi điểm ACT đầu vào của học sinh đa số từ 34 trở lên.

Với SAT, con số đánh giá trường xuất sắc ở mức tối thiểu 1560/1600 do nhiều trường chấp nhận "superscore". "Superscore là tổng điểm cao nhất của từng phần thi trong tất cả lần thi.

Ví dụ, nếu bạn nộp điểm SAT tháng 3 và 10, trường sẽ lấy điểm cao nhất của từng phần thi Đọc hiểu, Toán, Viết để cộng lại thành điểm tổng mới", anh giải thích và thông tin với ACT, ít trường chấp nhận như vậy. Vì thế, khi đánh giá một trường, phụ huynh có thể chú ý điểm ACT đầu vào hơn.

Tỷ lệ chấp nhận là yếu tố thứ ba anh Alan Lê nhắc tới. Theo đó, tỷ lệ chấp nhận càng thấp càng cho thấy trường chất lượng cao. Ví dụ năm nay, tỷ lệ chấp nhận vào Đại học Harvard là 4,5%, Columbia là 5,1, Princeton 5,8, Yale 5,9, Brown và MIT là 6,6%. Stanford, sau những lùm xùm trong vụ chạy điểm, đã không công bố tỷ lệ chấp nhận, nhưng số liệu năm 2018 là 4,3%.

Trường trong khối Ivy League có tỷ lệ chấp nhận cao nhất là Đại học Cornell với 10,6%. Anh Alan cho rằng những trường được xác định tốt phải có tỷ lệ ở mức này trở xuống.

Dù khẳng định tỷ lệ chấp nhận là yếu tố quan trọng để đánh giá một ngôi trường, anh Alan cũng nhắc phụ huynh nên để tỷ lệ chấp nhận bên cạnh điểm ACT và xếp hạng. "Những trường có tỷ lệ chấp nhận ở mức 10-11% nhưng chỉ yêu cầu điểm ACT mức 26/36 thì thực sự không tốt", anh nói.

Ngoài tỷ lệ chấp nhận, phụ huynh Mỹ gốc Việt này còn khẳng định tỷ lệ nhập học cũng là kênh tham khảo quan trọng, nhưng thực tế ít phụ huynh và học sinh quan tâm, thậm chí chưa tìm kiếm. Hiện, MIT, Harvard và Stanford có tỷ lệ nhập học cao nhất. Điều này đồng nghĩa việc học sinh đánh giá cao chất lượng của các trường này.

Chẳng hạn Celia Lê, con gái anh Alan, trúng tuyển 20 đại học Mỹ, trong đó 4 trường thuộc khối Ivy League và một trường nổi tiếng khác là California ở Berkeley (UCB). Thế nhưng em cho rằng trường Columbia là tốt nhất khi xét các yếu tố như ngành học, khả năng tài chính nên chỉ chọn ngôi trường này.

Anh Alan lưu ý một số trường dùng chiêu trò để tăng tỷ lệ nhập học. Ví dụ, trường đủ khả năng nhận 500 sinh viên mới nhưng chỉ đăng tuyển 400 chỉ tiêu.

Khi thông báo kết quả xét tuyển, danh sách sẽ xuất hiện 800 học sinh, trong đó có 400 là được chấp nhận, 400 còn lại vào danh sách chờ (Waiting List). Khi một số trong 400 người được chấp nhận không đến nhập học, họ sẽ xét duyệt lại hồ sơ trong danh sách chờ. Điều này nhằm đảm bảo tỷ lệ nhập học được nâng lên.

Cũng có nhiều trường lập danh sách chờ, nhưng cuối cùng không học sinh nào trong danh sách này được chấp nhận. Đó là những trường uy tín và có tỷ lệ nhập học thực sự cao. Vì vậy, khi thấy một trường có tỷ lệ nhập học ở mức 99%, phụ huynh cần tìm kiếm thông tin về số lượng thí sinh trong danh sách chờ để có cái nhìn chính xác.

Ngoài bốn yếu tố trên, anh Alan Lê khuyên phụ huynh và học sinh không nên quá tin vào những lời đánh giá "có cánh" từ cựu học sinh bản xứ, bởi sinh viên Mỹ thường có cái tôi lớn và rất tự hào về trường mình.

Khi thấy trường không được xếp hạng cao, họ sẽ lấy ngành học được xếp hạng cao ra để nói. Nếu ngành học cũng không được đánh giá tốt, họ lại kiếm một yếu tố thế mạnh để "khoe" với mọi người như dạy online tốt.

"Trong quá trình tìm hiểu để chọn trường cho con, tôi chưa thấy một giáo sư hay nhà nghiên cứu nào chỉ ra những điều này. Với tư cách phụ huynh, tôi hy vọng quan điểm của mình sẽ góp phần giúp các bậc cha mẹ và học sinh có thêm kênh tham khảo khi chọn trường để du học", anh Alan Lê nói.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.