Nhanh chóng bắt nhịp
Năm 2024 - năm chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới nên trong đề thi tốt nghiệp THPT tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn. Qua đó từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, do đó, đề thi có một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn. Với định hướng trên, ngay sau khi kiểm tra giữa học kỳ II, bên cạnh hoàn thành chương trình, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12.
Theo chia sẻ của các thầy cô, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023. Tuy nhiên, đề thi còn yêu cầu vận dụng thực tiễn ở một số môn và tăng dần độ phân hóa để đạt các mục tiêu đề ra.
Thầy Ngô Tùng Hiếu - giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) cho biết: Để đáp ứng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, giáo viên chủ động tổng hợp kiến thức nền tảng, giúp học sinh rà soát kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung. Bên cạnh kiến thức cơ bản, với những em định hướng thi các khối ngành tự nhiên, giáo viên sẽ lồng ghép bài toán gắn với thực tế để các em vừa vận dụng kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Thi với hình thức tự luận, môn Ngữ văn đòi hỏi nhiều kiến thức vận dụng thực tế. Cô Trương Thị Châu Minh - Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tiền Giang) đưa ra lời khuyên: Bên cạnh kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt trên lớp, học sinh cần theo dõi tình hình thời sự bằng việc xem sách, báo, theo dõi thông tin qua tivi... Từ những thông tin xem, quan sát được, các em trình bày vào bài viết của mình sao cho sinh động, phong phú nhất để có thể đạt điểm cao.
Trong hành trình ôn thi, bên cạnh hỗ trợ giảng dạy, ôn tập đắc lực từ giáo viên, học sinh cần nỗ lực, cố gắng nhiều. Ở giai đoạn này, các em có thể tải đề thi mẫu ở những năm trước, đề thi của trường THPT khác để có thể tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm bài và kiểm soát tốt thời gian. Khi ôn tập, học sinh cần cân đối liều lượng kiến thức trong sách giáo khoa và kiến thức vận dụng thực tiễn để đạt điểm số cao.
Học sinh lớp 12 TP Cần Thơ tham gia chương trình tư vấn, hướng nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Q. Ngữ |
Chú trọng vận dụng kiến thức
Để đáp ứng yêu cầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau chủ động xây dựng bộ đề tham khảo. Theo đó, đơn vị đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục chủ động ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, đồng thời khẩn trương xây dựng bộ đề, tổ chức ôn tập. Cụ thể, mỗi trường THPT xây dựng một bộ đề thi, kèm theo đáp án. Đề thi phải bám sát chương trình phổ thông, đề minh họa của Bộ, có độ phân hóa theo thang bậc nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trên cơ sở đó, sở tổ chức Hội đồng thẩm định, đánh giá chất lượng, nội dung của đề rồi gửi lại cho các đơn vị để tổ chức ôn tập cho học sinh.
Hiện, các trường THPT ở Cà Mau cũng khẩn trương chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, xây dựng bộ đề thi chất lượng, bám sát nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng.
Thầy Trịnh Văn Lức - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Thới Bình cho biết: Xây dựng bộ đề thi thử có ý nghĩa quan trọng, qua đó phải đảm bảo phân loại học sinh theo hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. “Chúng tôi ra đề bám sát cấu trúc, đề minh họa của Bộ; kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và của các lớp dưới có liên quan”, thầy Lức cho biết.
Cô Trương Thị Châu Minh - Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tiền Giang) cho biết thêm: Để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải có kiến thức, kỹ năng làm bài. Về kiến thức, các em phải nắm tốt thể loại văn bản, từ ngữ, ngữ pháp, nội dung các văn bản đã được học; về kỹ năng nắm chắc cách viết, trình bày, tạo lập văn bản… Bên cạnh đó, bài làm môn Ngữ văn muốn có điểm cao cần thêm các yếu tố khác như tính sáng tạo (liên hệ so sánh, kiến thức lý luận văn học...); khả năng diễn đạt (biểu cảm, dùng từ, đặt câu...).
Trao đổi về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ năm học 2022 - 2023, đề thi một số môn có yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề mang tính chất thực tiễn. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực để đảm bảo sự đồng bộ, nâng chất lượng và hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian còn lại của năm học, bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, các trường cần đề ra kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12, tăng cường các lớp bồi dưỡng, phụ đạo. Trong đó quan tâm đến học sinh có học lực yếu kém, giúp các em nắm lại kiến thức, có kỹ năng vận dụng giải quyết vấn đề đặt ra trong bài thi sắp tới. - Ông Lê Quang Trí