Ôn thi giai đoạn “nước rút”

GD&TĐ - Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tại TPHCM, nhiều trường vẫn tổ chức ôn tập cho HS tới sát giờ G. Ngoài ôn tập, các thầy cô luôn lưu ý các em về việc giữ gìn sức khỏe, ăn uống hợp lý và chuẩn bị tâm lý tốt để bước vào kỳ thi quan trọng.

Ôn thi giai đoạn “nước rút”

Tập trung rà soát kiến thức

Có mặt tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) sáng 14/6, chúng tôi ghi nhận không khí ôn tập của các em HS khối 12 rất sôi nổi, nghiêm túc trong những buổi ôn tập cuối cùng của các em tại trường.

Nói về phương pháp ôn tập, cô Trần Đại Xuân Tước - giáo viên Tiếng Anh của trường - cho hay, chủ yếu các thầy cô cho HS ôn theo chủ đề để các em dễ nắm, dễ hiểu. Khi ôn tập kĩ, các em sẽ làm bài theo nhiều dạng bộ đề khác nhau để hệ thống lại kiến thức và qua sự giải đáp của giáo viên các em sẽ nắm chắc hơn.

Cô Xuân Tước nói: “Tôi có chia rõ khung thời gian cho các em, ví dụ 2 tuần này chúng ta sẽ ôn tập kiến thức lớp 11 với những nội dung cơ bản như sau. Học sinh sẽ là người đặt ra những câu hỏi, những phần kiến thức các em chưa nắm chắc để giáo viên bổ sung. Còn hiện tại, khi thời gian thi cận kề, các em đã được hệ thống lại kiến thức, chủ yếu giáo viên cho các em giải đề để các em nắm chắc hơn thông qua những câu hỏi”.

Theo thầy Trần Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, trường có 740 HS khối 12, các em được chia thành 18 lớp để ôn tập. Trước khi các em hoàn thành chương trình ôn tập, nhà trường có tổ chức đợt thi thử với hình thức thi thử theo từng lớp, mỗi bộ đề khác nhau từ ngày 4/6 - 10/6 vừa qua.

Sẵn sàng trước giờ G

Đánh giá sự hiệu quả của việc ôn luyện trong giai đoạn nước rút, cô Nguyễn Thị Tôn Nghi, giáo viên Lịch sử Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) cho rằng khi đã ở thời điểm sát ngày thi như hiện nay, điều quan trọng là tập trung hướng dẫn các em ôn tập theo các bộ đề, khi giáo viên giải đề cũng là lúc các em lưu ý những kiến thức thêm một lần nữa.

Theo cô Tôn Nghi, câu hỏi trong đề thường một phần do các giáo viên soạn, một phần được tham khảo ở các tổ chuyên môn của nhiều trường trên địa bàn do có sự trao đổi lẫn nhau từ sự hỗ trợ của chuyên viên bộ môn Lịch sử của Sở GD&ĐT. Các câu hỏi, dạng đề tương tự như đề minh họa của Bộ GD&ĐT, kiến thức gói gọn trong chương trình lớp 12 có khoảng 20% lớp 11.

Với lợi thế nhiều HS ở nội trú tại trường, thầy Lê Hoàng Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6) cho biết nhà trường tổ chức ôn thi cho các em cả vào buổi tối và sẽ kéo dài cho đến sát ngày thi. Giáo viên tập trung chủ yếu cho các em giải các dạng đề thi để nắm chắc kiến thức đã ôn. Dự kiến ngày 22/6 trường sẽ kết thúc chương trình ôn tập.

“Bên cạnh ôn tập, chúng tôi cũng luôn chú trọng đến bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho HS cũng như nhắc các em giữ gìn sức khỏe. Trong tháng 5, chúng tôi cũng chú trọng chuyên đề có nội dung “Giúp trò vượt qua áp lực học tập” để các em có sự ổn định tâm lý trong việc ôn tập, thi cử, thoải mái tự tin bước vào kỳ thi”, thầy Hiệp cho biết.

Được biết trường cũng đã liên hệ thuê xe để phục vụ quá trình di chuyển HS của trường tới các điểm thi trong thời gian từ 24 đến 27/6 sắp tới. Tương tự, Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) cũng tổ chức ôn tập cho học sinh tới khoảng 22/6, tức chỉ 2 ngày trước khi kỳ thi chính thức diễn ra.

Được biết, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, TPHCM có 124 điểm thi với sự tham gia của 78.332 thí sinh dự thi, trong đó có 71.062 thí sinh đang học tại các trường THPT. 5.750 thí sinh đang học ở các TTGDTX và 4.593 thí sinh tự do.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.