Các em nên Học có kế hoạch: Chương trình lịch sử phổ thông dù chỉ nằm trong chương trình lớp 12 và nửa phần lớp 11 nhưng vẫn khá dài. Muốn ghi nhớ bao quát, học sinh phải có kế hoạch học và ôn tập ngay từ đầu. Hãy học bài ngay từ đầu và dành gần 3 tháng cuối để ôn tập.
Học theo chiều dọc: Học bài theo định dạng của sách giáo khoa có nghĩa là học theo trình tự thời gian để nắm các sự kiện nhiều nhất có thể. Để học tốt nên dùng trục thời gian hay sơ đồ tư duy
Ôn tập theo chiều ngang: Sau khi nắm các kiến thức cơ bản nên ôn tập theo chiều ngang, có nghĩa là kết hợp ôn tập nhiều kiến thức có chung chủ đề.
Ví dụ, quan hệ đối ngoại của tất cả các nước trong chương trình Sử thế giới… Các chiến lược của Mỹ từ năm 1960 – 1973. Kiểu ôn tập theo chiều ngang này sẽ giúp chúng ta rèn luyện kĩ năng so sánh, đối chiếu và nắm sự kiện một cách khái quát tốt…
Ôn kiểu... Tây Tạng: Các nhà sư Tây Tạng có một cách học để nhớ rất nhanh và lâu đó là học theo kiểu tranh luận. Mỗi người đặt ra một câu hỏi để người khác trả lời. Người trả lời sẽ bị người khác phản bác. Hãy tìm một người bạn hoặc một nhóm bạn cùng học lịch sử. Việc tranh luận ngắn về một nội dung lịch sử sẽ giúp bạn nhớ lâu.
Học cùng mạng: Hãy làm thật nhiều bài tập trắc nghiệm mà hiện nay có rất nhiều trên mạng Internet. Đề thi do tập thể giáo viên biên soạn nên phong cách, cấu trúc biên soạn rất phong phú, đa dạng nên việc giải nhiều bài tập sẽ giúp chúng ta có tư duy tốt trong việc giải tất cả các thể loại trắc nghiệm.
Lưu ý 5 điều không nên làm
Học tủ: Đừng quá tập trung vào bất cứ tiêu điểm kiến thức nào có tên gọi là trọng tâm. Đề trắc nghiệm luôn trải dài khắp chương trình nên việc học tủ có cái kết "đắng" được báo trước.
Học vẹt: Đừng cố gắng ghi nhớ tất cả kiến thức một cách máy móc bằng cách học thuộc lòng sách giáo khoa. Bạn không phải là thần đồng ghi nhớ và môn Lịch sử cũng không phải là môn duy nhất bạn phải thi. Dùng bảng tóm tắt, sơ đồ tư duy để học nhé …
Học cô đơn: Cố gắng đừng học lịch sử một mình. Một lượng kiến thức đồ sộ sẽ khiến bạn... "hoa mắt". Hãy cùng chia sẻ với những người giống bạn bằng cách thảo luận cùng nhau, hỏi đáp cùng nhau hay vẽ sơ đồ tư duy cùng nhau … Bạn sẽ thấy nó hiệu quả hơn học một mình.
Quá tin vào mạng: Giải thật nhiều bài tập trắc nghiệm trên mạng nhưng đừng quá tin vào đáp án. Thực tế có nhiều đáp án không được kiểm chứng. Nếu nghi ngờ hãy hỏi giáo viên dạy lịch sử của bạn. Thầy cô sẽ chỉ cho các bạn.
Quá lo lắng về đề thi: Đừng quá lo lắng về đề thi. Đề thi luôn bảo đảm tính phân hóa. Có nghĩa là với các đối tượng có học bài và luyện bài tập, điểm số trung bình không phải là điều khó đối với bạn. Sự lo sợ chỉ làm bạn mất bình tĩnh mà mất bình tĩnh là mất trắng…