Ôn tập môn Khoa học tự nhiên: Nắm chắc kiến thức cơ bản, luyện kĩ năng làm bài

GD&TĐ - Bài thi Khoa học tự nhiên trong Kỳ thi THPT quốc gia gồm các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Lưu ý giúp ôn tập, làm tốt bài thi từng môn học này được các nhóm trưởng chuyên môn của Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ.

HS lớp 12 trước kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Nguyễn Nhung
HS lớp 12 trước kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Nguyễn Nhung

Cô Tạ Hương Giang - Nhóm trưởng chuyên môn Vật Lý: Nắm vững, vận dụng thành thạo kiến thức

Giáo viên có thể xây dựng kế hoạch hướng dẫn ôn tập môn Vật lý theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ đầu năm đến hết tháng 3) tập trung ôn tập theo các chuyên đề lần 1; giai đoạn 2 (từ tháng 4 đến giữa tháng 5), ôn tập theo các chuyên đề lần 2; giai đoạn 3 (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), tập trung luyện đề. Nội dung ôn tập chủ yếu là chương trình lớp 12, ngoài ra có chương trình lớp 11 và một số kiến thức lớp 10 liên quan đến chương trình lớp 12.

Giáo viên cần xây dựng hoàn thiện, bổ sung, cập nhật các chuyên đề bài tập theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp với năng lực HS của trường. Đồng thời, xây dựng, sưu tầm các đề ôn luyện bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT; tìm các nguồn tài liệu chất lượng từ sách tham khảo, mạng Internet… để giới thiệu cho học sinh (HS) tự học.

Khi tiến hành hướng dẫn ôn tập, lưu ý đến phân loại HS theo năng lực để có biện pháp hướng dẫn phù hợp. Với nhóm HS trung bình - yếu, cần hướng dẫn HS nắm được kiến thức cơ bản; cho luyện đi luyện lại các bài tập cơ bản để HS hiểu và ghi nhớ kiến thức.

Với nhóm HS khá - giỏi, cần hướng dẫn HS nắm vững kiến thức cơ bản, làm thành thạo các bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Hướng dẫn HS các dạng bài tập vận dụng cao, để HS tự rèn luyện tư duy mở rộng kiến thức, tìm tòi vận dụng kiến thức theo các hướng khác nhau một cách linh hoạt. Hướng dẫn HS tập trung nắm vững và vận dụng thành thạo các kiến thức Toán học cần thiết hoặc thường sử dụng cho Vật lí. Giao nhiệm vụ về nhà để HS tự lực nghiên cứu, tự tìm tòi tài liệu tự học.

Giáo viên hướng dẫn HS trình tự để làm một bài toán Vật lí: Đọc và tóm tắt đề bài, ghi ra những đại lượng đã có và những đại lượng cần đi tìm; đổi đơn vị nếu cần (không được quên bước này vì nếu không đổi đơn vị thì dù các bước giải hoàn toàn chính xác vẫn cho kết quả sai); vẽ hình minh họa nếu cần; suy nghĩ và lập luận nên sử dụng những công thức nào; tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức, thay số; để ý kết quả có phù hợp thực tế không.

Cô Nguyễn Thị Huyền - Nhóm trưởng chuyên môn Hóa học: Hệ thống hoá kiến thức qua chuyên đề, nghiên cứu kỹ đề minh họa

HS nên hỏi thêm GV, các chuyên gia khi chưa hiểu bài
HS nên hỏi thêm GV, các chuyên gia khi chưa hiểu bài 

Hóa học là một môn thuộc khoa học tự nhiên, nên việc học cũng như ôn thi mang một số nét đặc thù, khác với các môn khoa học xã hội.

Đối với HS: Để học và thi tốt môn Hóa, cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, ghi nhớ chính xác các ký hiệu, công thức và phản ứng hoá học. Biết hệ thống kiến thức từ thấp đến cao, từ cơ bản đến phức tạp để có thể vận dụng lý thuyết vào bài tập.

Cùng với đó, luyện các phương pháp giải nhanh (như phương pháp đường chéo, dùng tăng giảm khối lượng…) thích hợp cho từng loại bài tập theo mức độ lần lượt: Biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đầu tư hướng dẫn sâu kỹ năng làm bài trong bài tập trắc nghiệm.

Bên cạnh các phương pháp trên, HS cần rèn luyện kỹ năng tính toán nhanh và phản xạ tư duy. Phải bảo đảm thành thạo các quy tắc nhân nhẩm, các dấu hiệu chia hết, xấp xỉ… phản xạ tư duy không chỉ giúp các em giải quyết bài toán nhanh gọn mà còn hiệu quả hơn.

Đối với giáo viên: Cần sớm phân loại HS để có hướng bồi dưỡng kịp thời nhằm hạn chế HS thi lại và ở lại lớp. Giúp HS hệ thống hoá kiến thức thông qua các chuyên đề, nghiên cứu kỹ đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để hướng dẫn HS làm quen với các dạng lý thuyết và bài tập.

Một số lưu ý trong giai đoạn ôn thi nước rút: Việc ôn luyện và làm đề thi thử của các năm trước là hết sức cần thiết. Khi luyện đề phải căn thời gian và làm bài như lúc thi thật. Làm đề là chọn những cái hay và khó mình chưa biết để bổ sung lượng kiến thức, việc làm đề có thể làm từ từ, nhưng cần thường xuyên để thu lượm và tích lũy kiến thức. Sau khi làm đề sẽ chuyển sang luyện đề. Mục đích chính của luyện đề là thu lượm kỹ năng, lúc đấy chúng ta sẽ làm bài với tinh thần tìm mọi cách để tìm ra đáp án đúng và nhanh nhất

Hướng dẫn phương pháp làm bài thi môn Hóa học cho HS: Phương pháp hay nhất là “Chậm là chắc, chắc là nhanh”. Biết mình cần bao nhiêu điểm để tính toán thời gian làm bài cho hợp lí. Thực tế bạn muốn 8 điểm thì cần làm 32 câu, 8 câu còn lại là vận may. Thế nên dành toàn bộ thời gian cho 32 câu mình cần, bạn sẽ tự nhiên có nhiều thời gian hơn để xử lý những câu khó.

Lượt 1: Làm lý thuyết trước vì lý thuyết là phần dễ gỡ điểm nhất; lượt 2 làm các bài tập dễ; lượt 3 làm các bài tập có vẻ làm được. Trong đề thường có khoảng 8 câu hỏi nâng cao, các câu này sẽ làm bài trên tinh thần tìm mọi cách tìm ra phương án tối ưu nhất.

Cô Phạm Thị Hương Nhung - Nhóm trưởng chuyên môn Sinh học: Nắm chắc kiến thức cơ bản, luyện kĩ năng làm bài

Căn cứ vào kế hoạch giáo dục của nhà trường và nôi dung chương trình, nhóm chuyên môn xây dựng tài liệu bổ trợ kiến thức theo từng bài, chương, phần và cả chương trình với các mức độ đánh giá khác nhau nhằm giúp cho HS củng cố và nắm chắc kiến thức cơ bản đồng thời luyện kĩ năng làm bài.

Rèn luyện kĩ năng làm bài cho HS ở mức độ nhận biết: HS hệ thống kiến thức cơ bản theo chương, bài hoặc vấn đề (chủ đề) dưới dạng sơ đồ tư duy. Nắm chắc nội dung cơ bản, các ví dụ điển hình để có thể giải quyết tốt các câu hỏi có tính chất ghi nhớ kiến thức. Giáo viên xây dựng, sưu tầm hệ thống câu hỏi theo chủ đề để HS giải quyết; kiểm tra HS thông qua trao đổi trực tiếp trên lớp và bài kiểm tra theo chủ đề, xây dựng thói quen và tư duy tự học, tự làm chủ kiến thức của HS. Giáo viên thường xuyên kiểm tra lại các lỗi hay bị sai để HS khắc sâu những đáp án đúng và cách hiểu đúng về vấn đề.

Mức độ thông hiểu và vận dụng: Trên cơ sở nắm vững lí thuyết cơ bản đòi hỏi HS cần giải quyết được các vấn đề đặt ra có tính logic. Người học phải hiểu rõ vấn đề, tích cực luyện giải bài tập theo các dạng bài để nắm vững kiến thức trước khi luyện đề tổng hợp theo chương, phần và cả chương trình. Với đa số bài tập toán sinh học, bên cạnh việc hiểu bản chất vấn đề, cần khái quát hoá kiến thức toán sinh học thành các công thức, với 2 cách này có thể giúp tăng tốc độ giải bài nhờ vận dụng các công thức và vẫn có thể hoàn thành bài nếu quên công thức.

Rèn kĩ năng làm bài: Giáo viên hướng dẫn HS kĩ năng làm bài thi theo định hướng đề minh họa 2019 với 3 bước. Bước 1: Nhận dạng mức độ nhận thức của câu hỏi đặt ra và giải quyết câu hỏi theo hướng tăng dần độ khó. Bước 2: Phân bố thời gian hợp lí cho những câu hỏi vận dụng và đánh giá năng lực. Bước 3: Rà soát những lỗi sai trong quá trình trả lời câu hỏi, tô phiếu trả lời trắc nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ