“Ốc đảo gió” bên dòng sông Lô

“Ốc đảo gió”  bên dòng sông Lô

Sống trong tủi nhục

Thôn Đồng Lệnh, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) như một “ốc đảo” bên dòng sông Lô. Chỉ cách đây vài năm thôi, Đồng Lệnh vẫn là một địa danh đem đến cho người ta những ám ảnh, khiếp sợ. Quang cảnh tiêu điều nơi thôn dã với những căn nhà xập xệ không che nổi nắng gió đã biến nơi đây như một “ốc đảo gió” hoang lạnh.

Theo UBND xã Tân Thành, Trại phong Đồng Lệnh được lập từ năm 1972. Đây là nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân phong ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng... Người bệnh ở Đồng Lệnh có nhiều mức độ khác nhau. Người thì mới phát bệnh, người đang lở loét, người khác đã bị cụt tứ chi. Tuy nhiên, họ cùng có chung một số phận: Bị xa lánh.

Năm 1979 là thời điểm trại Đồng Lệnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất. Hơn trăm người từ Trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) và Trại phong Quỳnh Lưu (Nghệ An) chuyển đến. Đây cũng là thời điểm mà bệnh phong bị kỳ thị ghê gớm. Bởi vậy, có không ít người tự tìm về đây để mong sống nốt quãng đời còn lại trong đau đớn, tủi nhục.

Cụ Trần Thị Chinh, dân tộc Cao Lan, quê ở Lạng Sơn - bị bệnh phong từ năm 16 tuổi, nhớ lại: “Hồi ấy, tôi sợ hãi vô cùng. Tôi không biết vì sao mình bị bệnh, các ngón chân, ngón tay cứ sưng tấy rồi rụng dần. Dân làng sợ hãi bắt gia đình phải đóng bè chuối thả con bệnh trôi sông. Trong đêm tối, tôi phải chạy trốn khỏi làng, bỏ cha mẹ người thân. Sống vạ vật trong các bãi tha ma, nếm đủ thứ miệt thị. Rồi tôi được đưa lên Trại phong Đồng Lệnh sống cho đến bây giờ”.

Còn cụ Lương Thị Lám, ngoài 80 tuổi kể: “Năm 18 tuổi, tôi về nhà chồng, niềm vui chưa trọn thì phát hiện bị phong cùi. Gia đình nhà chồng xa lánh, xua đuổi, tôi phải lẩn vào đây sinh sống. Trong những tháng đầu đến với Đồng Lệnh, tôi đau đớn lắm nhất là đang mang trong mình một sinh mệnh nhỏ bé”.

Cũng giống như cụ Chinh, cụ Lám, cả trăm nhân khẩu ở Đồng Lệnh kia đã và đang mang trong mình căn bệnh quái ác. Nhưng với họ, việc chiến đấu với bệnh tật không khó bằng chiến thắng những ánh mắt sợ hãi. Những nỗi đau thể xác cũng không đau đớn bằng nỗi đau tinh thần, nỗi đau bị xa lánh, ruồng bỏ.

Tình yêu nở hoa

“Ốc đảo gió”  bên dòng sông Lô ảnh 1
Những đứa trẻ được sinh ra ở làng phong Đồng Lệnh hoàn toàn khỏe mạnh.

Sống lâu thành lão làng, cụ Lám bây giờ đã là người già cả nhất làng phong Đồng Lệnh. Nhưng ít ai biết rằng, đã có lúc vì tuyệt vọng, cụ muốn quyên sinh cho thoát khỏi bế tắc. Tuy nhiên, tình thương của người mẹ với đứa con trong bụng đã giúp cụ vượt qua.

Khi đứa con bé bỏng của cụ Lám chào đời, đó như là tín hiệu của sự sống, của mầm xanh đầu tiên nảy nở trên mảnh đất khô cằn tình yêu, hoang hóa tình người. Đứa trẻ ra đời đã làm thay đổi không khí vốn ảm đạm thê lương nơi “ốc đảo gió”. “Nó trở thành đứa con chung của mọi người trong làng phong. Người còn tay, cũng như người đã rụng mất tay thay nhau bế nó. Vui hơn nữa, đứa bé không bị bệnh và mọi người hiểu ra, bệnh phong không phải “con quỷ dữ”, nó không di truyền”, cụ Lám cho biết.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, cũng đã có những chàng trai, cô gái Đồng Lệnh phải lòng người ngoài, nhưng ở thời điểm bệnh phong còn nan y thì bức tường ngăn cản chẳng khác nào một lời nguyền không thể vượt qua ranh giới. Những đám cưới ở Đồng Lệnh chỉ toàn cô dâu bệnh phong lấy chú rể bệnh phong hoặc ngược lại.

“Ốc đảo gió”  bên dòng sông Lô ảnh 2
Trạm y tế Đồng Lệnh – nơi từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân phong ngày trước.

Bà Lăng Thị Bông kể lại, quê bà ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Năm 1962, bà lên Trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) chữa bệnh. Khi Trại phong Đồng Lệnh thành lập, bà lên đây vừa chữa bệnh và lập nghiệp. Bà đã gặp y tá Triệu Văn Hảo. Hai ông bà đem lòng yêu thương nhau, đồng cảm chia sẻ và cùng nhau vượt qua nỗi đau của bệnh tật... Giờ đây, hai người con của ông bà đều đã trưởng thành. Trưởng thôn Đồng Lệnh – anh Trịnh Văn Hào chính là con rể của bà Bông.

Tủi nhục, đớn đau từ năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế khác và tưởng chừng như dài đằng đẵng thì có chuyện lạ xảy ra. Trịnh Văn Lô quê ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đến Đồng Lệnh khi đôi bàn tay bị bệnh hủi ăn mòn gần hết ngón. Một mình chống chọi với căn bệnh quái ác, một mình kiếm đất sản xuất, trồng sắn, trồng ngô.

Ngày ngày, Lô gánh sắn ra chợ Tân Thành bán nhưng chẳng ai dám mua. Bỏ mặc sự kỳ thị, Lô vẫn đi chợ, cứ gánh đi rồi lại gánh về. Trong một lần như thế Lô gặp Phạm Thị Miên, một cô gái theo gia đình ông chú lên làm kinh tế mới ở xã Thái Sơn, bên kia bờ sông Lô. Cảm thương chàng trai tật nguyền, Miên không những mua hết sắn mà còn theo Lô về tận làng phong để tìm hiểu xem bệnh phong như thế nào mà người ta lại xa lánh đến mức như vậy.

“Nhìn gia cảnh anh Lô thui thủi một mình lại bị bệnh tật hành hạ, tôi vừa thương vừa cảm phục ý chí vươn lên của con người này nên quyết định gắn bó cuộc đời mình”, bà Miên nhớ lại.

Và từ đó, những đứa trẻ lành lặn khỏe mạnh lần lượt ra đời. Từ vợ chồng đầu tiên, làng phong dần có những đám cưới rình rang với những mối tình đẹp đầy cảm động. Tình yêu đã “vượt biên” ra bên ngoài làng phong. Những đôi vợ chồng không chỉ cùng bệnh phong lấy nhau, mà vợ hoặc chồng có khi là người khỏe mạnh ở làng bên.

Năm 2003, người ta tuyên bố chấm dứt bệnh phong ở Đồng Lệnh, trại phong giải thể. Những tủi nhục, đắng cay mà dân làng phải gánh chịu suốt mấy chục năm được trút bỏ. Dư âm của căn bệnh nan y một thời chỉ còn sót lại ở những người lên đây chữa bệnh ngày xưa không còn chốn nào để đi về. Người có gia đình thì xin đất ở lại lập nghiệp, những người một thân một mình xin ở lại trong những căn phòng kiểu ký túc xá, sống bằng nguồn tiền trợ cấp của Nhà nước.

Chàng rể đầu tiên của làng phong, anh Trịnh Văn Hào, trưởng thôn Đồng Lệnh, nói rằng: Đồng Lệnh không còn là vùng đất chết hay “ốc đảo gió” như xưa nữa. Hiện tại đã có trên 40 hộ dân với hơn trăm nhân khẩu, cả làng chỉ còn gần chục người bị bệnh phong từ nơi khác chuyển đến sinh sống, lập nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.