Oái oăm tìm người 'đẻ ngược' để trị... hóc xương

GD&TĐ - Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - cho biết, gần đây, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật nói chung và hóc xương nói riêng.

Bệnh nhân L.T.N. vô tình hóc xương khi ăn cháo vịt. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân L.T.N. vô tình hóc xương khi ăn cháo vịt. Ảnh: BVCC

BSCK2 Hoàng Bá Dũng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - cho biết, gần đây, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật nói chung và hóc xương nói riêng. Có những trường hợp biến chứng nghiêm trọng. Các bệnh nhân bị hóc xương đa phần là người lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.

Trường hợp cụ thể là bệnh nhân L.T.N. (SN 1981, quê An Giang), được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng 3/9 do hóc xương khi ăn cháo vịt.

Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân không nhập viện mà làm theo phương pháp dân gian là tìm người “đẻ ngược” để vuốt vùng cổ. Song, tình hình bệnh không cải thiện, phản xạ khi nuốt ngày càng đau hơn.

Sau đó, bệnh nhân đến bệnh viện địa phương để lấy xương nhưng không thành và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng nặng có ổ mủ do thực quản bị thủng, bị áp xe cạnh thực quản.

Bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan và phát hiện dị vật xương dài khoảng 3cm. Sau khi phẫu thuật lấy xương và điều trị nhiễm trùng, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện ngày 11/9.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam P.V.T. (SN 1942, ngụ Đồng Nai) có tiền sử tai biến và nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch… Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì bị hóc xương, đau vướng họng và không ăn uống được.

Theo người nhà, chiều 4/9, bệnh nhân có ăn thịt chim cút và nhai luôn cả xương. Hôm sau, bệnh nhân cảm thấy bị đau, cảm giác như có gì vướng ở họng. Tuy nhiên, gia đình nghĩ rằng, xương chim cút nhỏ không dễ bị mắc nên chưa đưa bệnh nhân đi khám.

Đến chiều 6/9, bệnh nhân bị đau nhiều. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương kiểm tra và được hướng dẫn chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hóc xương.

Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi gắp xương. Chiếc xương được lấy ra có chiều dài khoảng 4cm. Dị vật đã làm trầy sát miệng thực quản của người bệnh. Trải qua 5 ngày điều trị, đến ngày 11/9, sức khỏe bệnh nhân ổn định nên được xuất viện.

Tình trạng hóc xương hay dị vật không phải là một bệnh lý. Tuy nhiên, khi mắc phải, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể gây áp xe cổ, áp xe cổ lan trung thất… Từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

BSCK2 Hoàng Bá Dũng cho biết, đặc biệt, những người lớn tuổi và có nhiều bệnh nền thường phản xạ cổ họng kém hoặc rối loạn chức năng nuốt, thiếu tập trung, dễ bị hóc xương.

Do đó, để tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, người lớn tuổi có nhiều bệnh nền cần lưu ý, khi bị hóc xương hoặc dị vật, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, tư vấn và xử trí kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.