Ô tô điện giá rẻ của nhà sáng chế không chuyên

GD&TĐ - Không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, chỉ bằng đam mê, ông Trần Văn Tâm (TPHCM) đã tạo ra nguyên mẫu ô tô điện siêu tiết kiệm năng lượng.

Ông Tâm và nguyên mẫu xe ô tô điện “made in Vietnam”.
Ông Tâm và nguyên mẫu xe ô tô điện “made in Vietnam”.

Thành quả từ 5 năm nghiên cứu

Với ý nghĩ “người Tây làm được thì người Việt cũng làm được”, ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1962) đã dành 5 năm tự học để phát triển thành công một chiếc ô tô điện với nhiều ưu điểm. Sáng chế của ông Tâm hiện không chỉ thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước, mà còn nhận được sự quan tâm từ báo chí nước ngoài.

“Ô tô chạy bằng ắc quy và pin, phần điện tử là của ô tô điện, còn các trang bị khác tương tự như ô tô chạy xăng. Trong cấu tạo ô tô gồm 2 bộ cầu trước và cầu sau. Điện cung cấp cho xe là 60V và 1 pin lithium.

Cách sạc xe đơn giản tương tự như điện thoại di động, có thể sạc ở bất kỳ đâu có nguồn điện 220V. Xe trang bị máy lạnh, thiết bị giải trí hát karaoke…”, ông Tâm chia sẻ.

Bản vẽ ô tô cũng do chính tay ông phác thảo lấy ý tưởng từ hình ảnh chim đại bàng tượng trưng cho sự mạnh mẽ. Sau khi phác thảo, ông sử dụng giấy cắt mô hình xe và mang chúng đến thợ cơ khí để gia công khung xe bằng tôn, sắt. Toàn bộ sản phẩm như ông Tâm tiết lộ đều được làm thủ công.

Chiếc xe được thiết kế 4 chỗ ngồi nhưng có thể chở được 5 người, thích hợp với gia đình nhỏ. Khi đi trong thành phố, xe có thể đạt tốc độ 50 km/h. Đây là phiên bản thử đầu tiên nên ông thiết kế đi trong phố.

Khi sạc đầy, xe đi được 160 km. Nếu xe hết pin, có thể sạc lại trong vòng 10 - 12 tiếng. Nhưng theo khuyến cáo của ông Tâm thì không nên để xe cạn pin mới bắt đầu sạc. Bởi như thế chất lượng pin sẽ không bảo đảm và không bền.

Trước khi hoàn thiện sản phẩm, ông Tâm đã trải qua rất nhiều thất bại, có lúc nản chí định bỏ cuộc. Dẫu vậy, với mong muốn tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường cho người Việt nên ông đã cố gắng hoàn thiện. Ông Tâm kỳ vọng, trong tương lai nếu có nhà đầu tư sản xuất sẽ cho ra nhiều phiên bản tối tân, quãng đường di chuyển xa hơn.

Xe điện giá rẻ, tiết kiệm

Chiếc xe ô tô mẫu do ông Tâm sáng chế có giá thành 500 triệu đồng. Theo ông, nếu được thương mại hóa bằng dây chuyền công nghiệp, giá trị có thể dưới 250 triệu đồng hoặc thậm chí là 200 triệu đồng. Theo tính toán, xe chạy 100 km mà chỉ tốn khoảng 15.000 – 20.000 đồng tiền điện.

Ông Tâm cho biết, ý nghĩ chế tạo chiếc ô tô chạy điện ra đời năm 2015 khi ông xem một bản tin trên truyền hình nói rằng một số nước châu Âu đang tính tới việc hạn chế dần lượng xe chạy bằng xăng, dầu và thay bằng xe điện để bảo vệ môi trường.

“Tui lên mạng coi thấy ở Việt Nam mình chưa ai chế tạo ô tô chạy điện. Tui quả quyết là người nước ngoài họ làm được thì người Việt cũng làm được. Thế là tui bắt tay làm luôn” - ông Tâm kể.

Do không có kiến thức về chế tạo ô tô nên việc đầu tiên mà ông phải làm là… tưởng tượng ra một chiếc xe rồi cứ theo như những gì đã hình dung trong đầu để bắt tay biến nó thành hiện thực.

Ông Tâm kể: “Đầu tiên tôi mua mấy cái ghế xe hơi về đặt trên nền nhà, ước lượng khoảng cách sao cho vừa phải, rồi tới tính vị trí mấy cái bánh, sau đó tính chiều dài, chiều cao, chiều rộng toàn bộ xe.

Động cơ điện mình không làm được thì phải dùng động cơ xe đạp điện rồi chế tạo hệ thống truyền động, hệ thống lái. Khung xe thì hình dung trong đầu rồi vẽ ra giấy sau đó cắt thành rập thuê thợ gò hàn.

Kính chắn gió trước, sau cũng vậy, tự hình dung ra hình dạng, độ cong rồi tìm lò mướn họ làm. Bảng mạch điện tử mình không biết làm thì nhờ một kỹ sư, nói với họ tui cần cái công tắc này với chức năng ra sao... thì họ làm y như vậy”.

Sau khi hoàn thiện, ông bổ sung nhiều tiện ích trên xe. Xe có cả máy lạnh và hệ thống karaoke kết nối với điện thoại qua Bluetooth. Nguồn điện cấp cho máy lạnh và karaoke được thiết kế độc lập với nguồn điện cho động cơ nên không ảnh hưởng tới cự ly di chuyển của xe. Đặc biệt, bộ phận nạp điện được thiết kế rời, chỉ cần có nguồn điện 220V là có thể cắm dây và sạc điện cho xe.

Chiếc ô tô điện được ông Tâm chế tạo có hai cửa nhưng không mở ra hai bên như những chiếc xe thường thấy mà được thiết kế dạng cánh gấp khi mở được nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực.

Ưu điểm của thiết kế này là khi đóng mở cửa không chiếm diện tích và an toàn cho người và phương tiện bên ngoài. Khi đóng cửa, bốn cánh tay thủy lực được giấu gọn gàng trong khe trên mui.

Ông Tâm cho biết, nếu có điều kiện làm phiên bản khác, ông sẽ thiết kế thêm hệ thống điện để khi đóng mở cửa chỉ cần bấm nút, không phải dùng tay. Sau khi hoàn tất việc chế tạo, ông Tâm đưa xe ra các con đường vắng người qua lại ở gần nhà để chạy thử và đo đạc các thông số kỹ thuật và độ ổn định của xe.

Theo ông Tâm, chiếc ô tô điện đầu tay mà ông chế tạo đến nay đã hoàn thành. Nếu có tiền, ông sẽ chế tạo những phiên bản khác có thể chạy tốc độ tối đa theo quy định hiện nay 120 km/h với cự ly 300 km khi nạp đầy điện và đặc biệt là có khả năng lội nước trên những con đường ngập sâu đến nửa mét. Ông Tâm đã nộp hồ sơ bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho chiếc xe của mình.

Trang Newsflare đã đăng một phóng sự về chiếc xe điện này. Đáng chú ý là chiếc xe này hoàn toàn được sản xuất theo dạng thủ công, trong khi vẫn đủ trọng tải 5 người, đủ các trang thiết bị của một xe ô tô. Trong đoạn video được Newflare đăng tải, ông Tâm cho hay, điều thôi thúc ông chế tạo chiếc ô tô điện đó là mong muốn tạo ra sản phẩm ô tô không khí thải, để bảo vệ môi trường vừa có ô tô do chính người Việt sáng tạo ra cho người Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.